Sunday, 11 March 2012

Bo dinh chi tuyen sinh, sinh vien bat an

(SVVN) Sau quyết định đình chỉ tuyển sinh đối với 3 trường đại học, cao đẳng ở TP. HCM và Hà Nội, hàng trăm sinh viên đã tỏ ra bất an khi đang theo học các trường nói trên.

Ba trường đại học, cao đẳng bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012 là: Trường ĐH Văn Hiến, với lý do chưa có đất để xây trường, tỷ lệ sinh viên trên giảng viên cơ hữu quá cao: 4.947/52; trường ĐH Đông Đô, với lý do tương tự như trường ĐH Văn Hiến, tỷ lệ sinh viên trên giảng viên cơ hữu: 4.276/77; trường CĐ Công nghệ Thông tin TP. HCM, với lý do diện tích đất quá nhỏ, tỷ lệ sinh viên trên giảng viên cơ hữu quá cao: 6.420/76. Bộ GD - ĐT yêu cầu, đến năm 2013, nếu các trường này không khắc phục được các điều kiện bảo đảm chất lượng sẽ xem xét đình chỉ hoạt động đào tạo.

Tiếp xúc với Sinh Viên Việt Nam, bạn Lê Thị Thúy (năm thứ 2, khoa Du lịch, trường ĐH Văn Hiến) cho biết: "Hiện nay, sinh viên trong trường rất lo lắng, hoang mang trước thông tin nhà trường bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012. Nhiều bạn nợ học phần, định đăng ký học lại với khóa sau đang đứng trước nguy cơ ra trường trễ 1 năm do không có lớp để theo học". Còn Lê Đức Vân (năm thứ 2, khoa Công nghệ thông tin, trường CĐ Công nghệ Thông tin TP. HCM) lo lắng, sau khi ra trường sẽ khó xin được việc làm do nhà tuyển dụng sợ chất lượng đào tạo thấp. Đức Vân giải thích: "Bây giờ, ai cũng biết tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu quá cao nên tụi mình rất lo lắng ra trường sẽ bị doanh nghiệp tẩy chay. Tốt nghiệp mà không xin được việc làm thì mình không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ ngân hàng".

Rất nhiều sinh viên lo lắng, đến năm 2013 mà trường chưa xây dựng được cơ sở vật chất mới và số lượng giảng viên cơ hữu không tăng lên sẽ bị Bộ GD - ĐT đình chỉ hoạt động giáo dục. Như vậy, hàng ngàn sinh viên sẽ bị đứt gánh giữa đường.

[ Phản hồi ]

SẼ CẢI THIỆN TÌNH HÌNH


Trao đổi với Sinh Viên Việt Nam ngày 31/1/2012, PGS. TS Nguyễn Mộng Hùng, Hiệu trưởng trường ĐH Văn Hiến xác nhận, trong thời gian qua nhà trường có nhận được nhiều phản ánh bày tỏ sự lo lắng của sinh viên về chuyện trường ĐH Văn Hiến bị đình chỉ tuyển sinh trong năm 2012. Tuy nhiên, trên website của nhà trường, cũng có nhiều sinh viên cho rằng, cơ sở vật chất, giảng viên đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học của sinh viên.

Về chuyện sinh viên còn nợ học phần sẽ đối diện với nguy cơ ra trường trễ 1 năm vì không có khóa sau để học chung, PGS. TS Nguyễn Mộng Hùng cho rằng: "Đó là thực tế mà những nhà giáo như chúng tôi không mong muốn. Bộ GD - ĐT quyết định thì chúng tôi phải chấp hành chứ thật ra, trường ĐH Văn Hiến không phục. Chúng tôi vừa làm văn bản gửi Bộ GD - ĐT để trình bày về phương hướng hoạt động, số lượng giảng viên cơ hữu, sinh viên… Còn trước mắt, những sinh viên nợ học phần sẽ được phòng Đào tạo thống kê rồi mới quyết định mở lớp cho học lại hay không".

Làm việc với Sinh Viên Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Tác Anh, Hiệu trưởng trường CĐ Công nghệ Thông tin TP. HCM cho biết: "Khi nhận được quyết định của Bộ, chúng tôi rất buồn. Trường bị ảnh hưởng chỉ là một phần nhưng sinh viên ra trường sẽ đối diện với nguy cơ khó xin việc. Những năm qua, chúng tôi vẫn làm tốt công tác đào tạo. Sinh viên chưa ra trường nhưng vẫn được những công ty, tập đoàn lớn tuyển dụng". PGS. TS Nguyễn Tác Anh cho biết thêm, con số sinh viên, giảng viên cơ hữu thể hiện trong Quyết định thanh tra của Bộ GD - ĐT là không chính xác. Hiện tại, nhà trường đang làm văn bản gửi Bộ để báo cáo lại vấn đề này. Để cải thiện vấn đề, hiện nay, nhà trường đang cố gắng tuyển dụng giảng viên để giảm tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu xuống còn 30/1. Đến tháng 7/2012, tòa nhà 10 tầng sẽ được đưa vào sử dụng. Như vậy, diện tích sàn xây dựng cũng được tăng lên đáng kể.

Khi Sinh Viên Việt Nam đặt vấn đề, đến năm 2013 mà trường chưa xây dựng được cơ sở mới, giảng viên cơ hữu chưa đạt theo chuẩn của Bộ GD - ĐT, hàng ngàn sinh viên sẽ đối diện với nguy cơ nghỉ học, PGS. TS Nguyễn Tác Anh cho rằng: "Việc đề ra chuẩn để các trường thực hiện là cần thiết. Nhưng quyết định thì phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của nước ta. Bộ GD - ĐT không thể lấy chuẩn của các nước phương Tây mà áp dụng vào Việt Nam. Đến năm 2013, chắc chắn, nhà trường sẽ không kịp đạt chuẩn như Bộ quy định. Lúc đó, chúng tôi sẽ tuyển sinh và hoạt động cầm chừng".

HÀNG NGÀN SINH VIÊN BỊ ẢNH HƯỞNG


Ngoài 3 trường đại học, cao đẳng nói trên, Bộ GD - ĐT cũng đình chỉ tuyển sinh 12 ngành đạo tạo ở các trường đại học khác. Bộ đình chỉ tuyển sinh 4 ngành: Kỹ thuật xây dựng công trình, tiếng Anh, tiếng Trung, Việt Nam học của trường ĐH Chu Văn An do chưa có giảng viên cơ hữu đạt trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Tại trường ĐH Lương Thế Vinh, Bộ đình chỉ tuyển sinh 4 ngành gồm: Công nghệ Kỹ thuật điện - Điện tử, Công nghệ thực phẩm, Bảo vệ thực vật, Khoa học Thư viện, do chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Ở trường ĐH Nguyễn Trãi, Bộ đình chỉ tuyển sinh 2 ngành là Kế toán và Quản trị kinh doanh, do chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ, tỉ lệ sinh viên/giảng viên cao. Còn trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng bị Bộ GD - ĐT đình chỉ 2 ngành là Kế toán, Quản trị kinh doanh, do chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ, tỉ lệ sinh viên/giảng viên cao. Đến năm 2013, nếu các ngành nêu trên vẫn không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến đình chỉ tuyển sinh thì sẽ xem xét thu hồi quyết định mở ngành đào tạo các ngành này.

Ngoài ra, Bộ GD - ĐT cũng đã ra văn bản cảnh báo 3 trường chưa có đất xây dựng trường là: ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô, ĐH Nguyễn Trãi. Đến năm 2013, nếu các trường này vẫn chưa có đất xây dựng theo cam kết thì đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải thể trường.

Với những trường có đất nhưng chưa xây dựng được cơ sở vật chất như các trường: ĐH Hòa Bình, ĐH Chu Văn An, ĐH Kinh tế - Tài chính TP. HCM, ĐH Quốc tế Sài Gòn, đến năm 2013, nếu các trường này vẫn chưa xây dựng được trường theo cam kết sẽ đình chỉ hoạt động và xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải thể trường.

Quang Duy

Lưu bài viết |

Bản in |

Gửi bạn bè |

Lưu yêu thích |

PDF |

Phản hồi (0)
Chia sẻ

Theo www.baomoi.com

No comments:

Post a Comment

Related posts