Saturday 31 March 2012

Ong lai do chiu choi o TP.Ho Chi Minh

(Đời sống) - Sau khi nghỉ nghề "gõ đầu con trẻ", thầy giáo Nguyễn Thanh Hòa đã trở về quê vợ ở vùng đất trũng giữa Sài Gòn lập nghiệp. Tuy kinh tế gia đình còn khó khăn nhưng suốt 17 năm lái đò, thầy Hòa vẫn sớm khuya mưa nắng đưa đón hàng triệu các em học sinh đến trường miễn phí. Cũng từng đó năm giá xăng dầu liên tục tăng nhưng giá mỗi lần đi đò của thầy giáo già vẫn rẻ hơn ly… trà đá.

Lận đận đời thầy giáo làng

Đã nhiều lần chúng tôi nghe câu chuyện "đáng nể" về ông lái đò già trên sông Vàm Thuật nối qua quận Gò Vấp và quận 12 của TP.HCM tuy gia đình kinh tế còn khó khăn nhưng suốt 17 năm đưa đò qua sông không biết bao thế hệ học sinh cũng như người già cơ nhỡ không lấy tiền.

Và một điều đặc biệt mà khó tin nổi cũng gần đấy năm trôi đi với biết bao sự đổi thay của xã hội, nhất là giá xăng dầu tăng lên từng ngày nhưng giá đi lại trên những chuyến đò của người người đưa đò này vẫn không hề thay đổi.

Đến bây giờ mỗi người qua đò cũng chỉ mất có 500 đồng. Để tìm hiểu thực hư về câu chuyện "cổ tích" thời hiện đại này, chúng tôi đã tìm đến bến đò sông Vàm Thuật gặp ông Nguyễn Thanh Hòa (SN 1938, ngụ phường An Phú Đông, quận 12) mà người dân nơi đây thường gọi là chú Tám Hòa, một ông già có khuôn mặt phúc hậu, mái tóc hoa râu.

Chắc hẳn ai cũng có thể ai cũng biết đến bến phà "bèo" này nhưng có mấy người biết được cuộc đời đầy gian truân của chú Tám Hòa - người đã từng là một thầy giáo dạy cấp II trường làng, phải làm nghề xe đạp ôm, bán rau má... đế có được ngày hôm nay.

Ông Tám Hòa chỉ vào bảng giá phà hơn chục năm không thay đổi.

Ở cái tuổi 74, chú Tám Hòa vẫn không ngớt bồi hồi khi kể lại những ngày tháng gian nan thuở nhỏ và mạo hiểm để gây dựng cơ nghiệp trong các cung bậc buồn vui cảm xúc lẫn lộn. Sinh ra trong gia đình đông anh em tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Khi lên đến 10 tuổi ông đã phải tự kiếm sống bằng cách đi bán nước trà quế, rồi đến năm 12 tuổi đi bán kem. Khi có sức khỏe một chút, đến năm 14 tuổi, Hòa bắt đầu chạy xe đạp ôm và người dân trong khu vực thuê gì thì làm lấy không ngại gian khổ.

Thấy dân mình khổ, nhiều người không biết chữ cộng với sự ao ước được đứng lên bục giảng trao con chữ cho đám học trò nghèo. Thế rồi sau nhiều năm đèn sách, Hòa đã thi đậu vào trường Sư Phạm. Sau khi ra trường, cậu sinh viên Hòa quyết định về quê dạy học.

Trong suốt thời gian làm thầy giáo làng, lương nhà nước trả theo chế độ bao cấp được vài cân gạo không đủ sống nên thầy Tám đã phải chải lận lưng đến biết bao là nghề.

Ông vẫn nhớ như in những ngày nhà ông nuôi heo, đêm đêm ông lại phải đạp xe hàng mấy chục cây số đến các quán cơm, hủ tiếu, phở... để gom thức ăn thừa về cho heo ăn. Nhưng cái nghề gắn chặt với các đời của thầy giáo làng lâu nhất vẫn là xe đạp ôm.

Sau những giờ đứng trên bục giảng mặc áo trắng, vận quần đen thầy giáo Hòa lại mặc những chiếc áo cũ kỹ ở nhà lấy chiếc xe đạp đi chở thuê. Ngày ngày trên chiếc xe đạp cọc cạch mà tằn tiện mấy năm mới sắm được, ông lại đạp xe ôm khắp cả quãng đường vài chục cây số.

Cuộc sống nghèo khó và nắng gió của vùng đất Nam bộ đã "sinh ra" thầy Hòa như thế. Thấy thầy giáo làm thêm cái nghề xe đạp ôm, nhiều phụ huynh hỏi tế nhị, có xấu hổ không thì được người thầy này vui vẻ trả lời không một chút đắn đó.

"Cái nghề mình làm chân chính, bỏ mồ hôi sức lao động ra để kiếm sống thì mình nên tự hào mới đúng chớ. Mình làm việc không hề vi phạm pháp luật thì có già mà xấu hổ" – chú Tám Hòa vẫn lạc quan như thế.

Rồi cứ thế thời gian trôi đi, sau gần 30 năm dạy học cấp II tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, thầy giáo Nguyễn Thanh Hòa nghỉ hưu rồi cả gia đình về quê vợ ở An Phú Đông, quận 12 lập nghiệp.

Cuộc sống gia đình lúc này hết sức khó khăn, túng bấn, chú Tám phải bươn chải làm đủ nghề để cùng vợ nuôi hai đứa con ăn học. Gia đình thầy giáo nghỉ hưu này thuộc diện nghèo nhất nhì ở vùng chiến khu An Phú Đông đang bất đầu đô thị hóa.

Nhưng với bản chất con người không chịu cam khổ, thầy giáo Hòa lại trở về với cái nghề chạy xe đạp thồ. Sau khi có một chút vốn ông mở tiệm sửa xe đạp và xin đất hoang ở vìa sông Vàm Thuật để trồng rau.... Làm việc quần quật suốt ngày nhưng gia đình thầy Tám vẫn không thoát được đói nghèo.

Hàng ngày hai vợ chồng làm ruộng ở bên bờ sông, chứng kiến cảnh học trò phải chen chúc nhau trên một con đò cũ kỹ, ọp ẹp để tới trường. Mỗi lần có con nước chảy xiết, sông lại rộng và sâu, chiếc ghe nhỏ bao lần như muốn lật úp cũng là bao lần ông thót tim, lo lắng cho tính mạng của học sinh trên đò.

Đã xảy ra nhiều vụ lật đò, úp ghe, những đứa trẻ bị rơi xuống sông suýt chết, quần áo, tập vở ướt sũng mếu máo khóc về nhà đành nghỉ học đến những vài ngày sau đó.

Tuy đã già nhưng ông vẫn lặng lẽ đưa những chuyến phà miễn phí cho học sinh qua sông

Thấy những chuyến đò ngang nguy hiểm chú Tám Hòa luôn cảm thấy day dứt trong lòng khiến ăn không ngon ngủ không yên. Theo chú Tám tâm sự, ngày trước là thầy giáo đưa các em nhỏ có cái chữ thì bây giờ nghỉ hưu, ông lại muốn mình tiếp tục là người đưa đò cho các em được đến trường an toàn.

Vì vậy ông quyết định đến gặp chính quyền địa phương xin đứng ra đấu thầu bãi đò để khai khác lại.

Cái tin thầy giáo Hòa nhà nghèo "rớt mồng tơi" đứng ra xin đấu thầu bến đò hơn trăm năm tuổi này khiến người dân An Phú Đông "giật mình".

Ban đầu cũng có nhiều ý kiến ngần ngại, nhưng vốn hiểu được đức tính của người từng đứng trên bục giảng nhiều năm nên lãnh đạo phường An Phú Đông cũng đã ủng hộ.

"Tôi xin được đứng ra tổ chức lại bến đò này chỉ với mục đích đưa những chuyến đò qua sông an toàn và nhất là miễn phí cho học sinh, trẻ em, người lớn tuổi...

Còn những người khác thì tùy khả năng, ai muốn trả phí sao cũng được. Tôi chỉ muốn làm một việc gì đó có ích cho bà con mình…" - chú Tám cam kết với chính quyền địa phương như vậy.

Bán đất, vay tiền Ngân hàng để mua đò chở miễn phí

Sau khi được chính quyền địa phương chấp thuận cho khai thác bến đò Vàm Thuật, trong nhà không có nổi lấy một trăm ngàn đồng, chú Tám phải cầm cố ruộng, vay mượn bạn bè lấy tiền mua đò và tự mình đưa đón mọi người qua sông.

Sau một thơi gian sớm khuya làm lụng khi có chút vốn ông bắt đầu mở rộng bến đò và đặt mua một con đò rộng hơn. Tuy lúc này còn nợ nần chồng chất nhưng như lời đã hứa với chính quyền địa phương chú Tám quyết định không lấy tiền của học sinh, sinh viên các cụ già đi qua đó.

Từ khi chú Tám chở đò với giá rẻ và miễn phí con đò lúc nào cũng đầy khách qua sông.

Lúc này người lái đò già lại ao ước vay mượn được tiền để mua chiếc phà rộng và an toàn hơn. Thế rồi trong một lần tình cờ Chú Tám quen được một người làm ở ngành ngân hàng cũng thường đi lại qua bến đò.

Thấy chú hiền lành chịu khó làm ăn nên người này hứa sẽ đề nghị ngành ngân hàng hỗ trợ ông vay vốn để nâng cấp bến đò. Mừng khôn xiết, chú Tám Hòa về bàn với vợ tiếp tục cầm miếng đất và mua được chiếc phà đầu tiên trị giá 30 triệu đồng vào giữa năm 2000.

Những năm kế tiếp, liên tục những chiếc phà thứ hai, thứ ba... được đóng mới và đưa vào hoạt động tại bến đò An Phú Đông.

Những chiếc phà an toàn vẫn là chiếc phà "tình thương" do chính tay người thầy giáo già này cầm lái chở khoảng 600 em học sinh, sinh viên đi qua mỗi ngày. Người già, người nghèo, xe cứu thương mỗi ngày hàng trăm lượt người...

Rồi chủ bến phà đã bỏ tiền tráng nhựa một đoạn đường dài cả trăm mét xung quanh bến để người dân đi lại dễ dàng.

Mỗi ngày trung bình, bến phà Vàm Thuật này đón khoảng 7.000 lượt khách. Giá đi phà cho người đi bộ là 500 đồng, có xe đạp là 800 đồng /lượt, một người đi xe máy là 1000 đồng /lượt. Điều đặc biệt, dù các đợt xăng tăng giá liên tục suốt 17 năm qua nhưng giá cước đi phà không bao giờ thay đổi.

Ông Tám "từ thiện" cho biết, với số tiền thu được từ việc khai thác bến đò, tính toán xăng dầu, tiền công cho người làm, hàng tháng tiết kiệm ông cũng đủ trang trải cho sinh hoạt gia đình. Nhưng mỗi lần máy móc hư hỏng, ông lại phải bỏ tiền túi ra sửa chữa.

Dù vậy, suốt 17 năm chú Tám vẫn âm thầm lặng lẽ giúp những học trò đến trường qua phà không phải mất phí. Chẳng những đi phà không tốn tiền, nhiều người nghèo tại địa phương còn được chú Tám giúp cho tiền.

Nhiều học trò, sinh viên nghèo qua phà cũng được chủ đò cho tiền mua tập vở, quần áo đi học. Mấy năm qua, thầy Tám Hòa còn đóng học phí cho mấy chục học sinh, sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn thường xuyên qua lại phà. Người lái phà cho biết:

"Trong mình luôn đặt chữ nghĩa lên hết. Thấy những đứa trẻ hàng ngày mình mừng lắm nhớ lại lúc còn đi dạy chữ. Bây giờ nhìn chúng khó khăn mình cố gắng giúp thôi.

Chỉ cần các em được đến trường an toàn là tôi vui rồi. Đó cũng là trả nợ cuộc đời, trả nợ lại tấm lòng của những người tốt đã giúp mình lúc khó khăn. Sông có khúc, người có lúc mà...". Vì vậy danh chú Tám "từ thiện" ngày càng được lan truyền nhiều nơi.

Giờ đây những chiếc phà của chú Tám đã trở thành phương tiện di chuyển không thể thiếu cho người dân địa phương và cả những người dân vùng khác. Đặc biệt, các em học sinh không còn sợ những ngày mưa bão, những ngày lụt lội không được tới trường.

Giai thoại của ông Tám gắn mãi trong từng câu chuyện của vùng An Phú Đông. Người dân nơi đây còn kể rằng, cách đây không lâu trong lúc nửa đêm khuya khoắt mưa gió bão bùng, có một phụ nữ ôm đứa con nhỏ đến bến đò nhờ phà đưa qua sông để đưa con nhỏ bị sốt đi bệnh viện cấp cứu.

Lúc này tất cả nhân viên của bến đều đã về nghỉ ngơi. Nghe nói có người phải đi cấp cứu, ông lão thất thập cổ lai hy này một mình đội mưa lái phà chở mẹ con họ qua sông...

Nghe hoàn cảnh hai mẹ con khó khắn, đáng thương không có tiền, người thầy giáo già liền móc hết trong túi được 300 ngàn đồng đưa cho người phụ nữ để nhờ xe ôm đưa tới bệnh viện cho sớm.

Khi nhắc đến một trong nhiều nghĩa cử của ông "bụt" Tám Hòa, ông trầm ngâm: "Cuộc đời ông cũng như con sông Sài Gòn - Vàm Thuật kia, khi đầy khi cạn. Mình cũng đã có những lúc nghèo khó, nổi trôi rồi mới được như ngày hôm nay nên giúp gì được cho người khác sẵn lòng. Đó cũng là trả nợ cuộc đời, trả nợ lại tấm lòng của những người tốt đã cưu mang giúp đỡ mình trước đây".


Theo www.baomoi.com

Friday 30 March 2012

Hoc phi tren 18 trieu 1 nam, nhieu sinh vien lao dao

(Nguoiduatin.vn) – Mức thu học phí cho SV năm học 2011-2012 của tất cả các ngành đã tăng so với năm học trước từ 20% - 40%. Nhiều trường ngoài công lập mức học phí lên tới 18.500.000 đồng/năm.

Theo quy định mới của Bộ GDĐT, từ kỳ thi tuyển sinh 2009, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập phải công khai mức học phí trong cuốn cẩm nang "Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ". Trong đó, các trường phải công khai học phí, lệ phí và các khoản thu khác từ người học.

Theo công bố, năm nay, ĐH Chu Văn An có mức học phí mới đối với hệ ĐH là 590.000 đến 650.000 đồng/tháng, hệ CĐ là 490.000 đến 520.000/tháng, còn ĐH Công nghệ Vạn Xuân mức học phí tính theo năm hệ ĐH là 6.000.000 đồng/năm, hệ cao đẳng 4.000.000 đồng/năm.

Học phí tăng cao ảnh hưởng đến đời sống của sinh viên

Còn ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị năm nay cũng cho biết mức học phí mới áp dụng theo từng khối ngành Khối ngành Kinh tế-Quản trị: đại học: 800.000 đồng/tháng; cao đẳng: 500.000đ/tháng, Khối ngành Khoa học: 600.000 đồng/tháng. Mức học phí hệ ĐH ở ĐH Hà Hoa Tiên là 500.000 đồng/tháng, hệ CĐ: 400.000 đồng/tháng.

Cao hơn so với các trường trên, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có mức thu trung bình 9.000.000đ/năm, ĐH Thăng Long thì mức thu đối với từng ngành như: Các ngành Kế toán, Tài chính – Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Quản lý bệnh viện, Y tế công cộng, Công tác xã hội, Việt Nam học: 18.000.000đ/năm, các ngành Toán ứng dụng, Khoa học máy tính, Truyền thông và mạng máy tính, Hệ thống thông tin quản lý, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Trung Quốc: 18.500.000 đông/năm, ngành điều dưỡng: 18.500.000đ/năm.

Tương tự các trường ĐH Dân lập Phương Đông cũng có mức thu học phí theo năm, năm thứ nhất 2012-2013 từ 6.750.000 đến 8.250.000đồng/năm (mỗi năm tăng 10%).

Tại các trường ĐH Phía nam. Mức thu cũng đồng loạt tăng.

Đơn cử ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu thu mỗi học kỳ/1 lần với hệ ĐH: 3.900.000 đồng/HK1 còn hệ CĐ: 3.300.000 đồng/HK1. ĐH Dân lập Phú Xuân cũng có mức thu tương tự hệ ĐH: 3.500.000 đồng/HK hệ CĐ: 3.250.000 đồng/học kì.

ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM Học phí bình quân năm học 2012-2013 là 7.400.000 đồng/ tháng (chưa kể học phí tiếng Anh). Học phí này không tăng quá 5%/học kì. ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM Học phí năm thứ 1: từ 12-15.000.000 đồng tùy theo ngành học (chia làm 02 đợt).

Mức thu học phí cho SV năm học 2011-2012 của tất cả các ngành đã tăng so với năm học trước từ 20% - 40%. Đối với các khóa, ngành đào tạo theo niên chế như ngành nông, lâm, thủy sản: học phí tăng từ 2.900.000 đồng lên 3.550.000 đồng/năm. Nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ; nghệ thuật: tăng từ 3.100.000 đồng lên 3.950.000 đồng/năm. Đặc biệt ở nhóm ngành y dược, học phí tăng cao nhất: từ 3.400.000 đồng lên 4.550.000 đồng/năm (tăng đến 1.150.000 đồng 1 năm học).

Phan Chính


Theo www.baomoi.com

Thursday 29 March 2012

Hanh dong cua nguoi tre

PNO - Đoàn viên, thanh niên trên cả nước đang hưởng ứng mạnh mẽ "Năm an toàn giao thông 2012" bằng những hành động thiết thực. Đúng với tinh thần năng động, xung kích của người trẻ, họ đã có nhiều sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm. Dưới đây là hai "điểm sáng" của tuổi trẻ TP.HCM trong hưởng ứng "Năm an toàn giao thông 2012".

"Bỏ" xe máy, "theo" xe buýt

Các bạn sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM bên bức tranh vé xe buýt lớn "chưa từng thấy"

Sáng 24/3, tại trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, gần 1.000 sinh viên đã tham gia ngày hội "Tôi- Người Đoàn viên Cộng Sản", mà trọng điểm của ngày hội là các hoạt động hưởng ứng Năm an toàn giao thông2012. Hoạt động nỏi bật nhất của ngày hội là chương trình công bố bức tranh được ghép bằng vé xe buýt "lớn chưa từng thấy". Với kích thước 4m x 2m, được ghép từ khoảng 3.000 vé xe buýt, bức tranh khiến các sinh viên Bách Khoa không khỏi trầm trồ. Trên bức tranh là thông điệp "Đi đúng đường, dừng đúng vạch" và những hình ảnh minh họa về an toàn giao thông. Có thể thấy, những người tổ chức chương trình đã khá thành công trong công tác tuyên truyền về an toàn giao thông khi sáng tạo ra ý tưởng ghép tranh bằng vé xe buýt.

Lê Hoàng Minh- Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM chia sẻ: "Nếu tuyên truyền theo cách thức từ trước đến nay vẫn làm, sẽ dễ bị đơn điệu và thiếu sức hút. Ý tưởng ghép tranh từ vé xe buýt sẽ giải quyết được 2 mục đích: Vận động được các bạn sinh viên "bỏ" xe gắn máy, chuyển qua đi xe buýt để lấy vé nộp cho chương trình, sẽ giảm được lưu lượng xe máy, giảm kẹt xe; ghép tranh bằng vé xe buýt sẽ gây ấn tượng mạnh, tác động vào tư duy, ý thức về an toàn giao thông của nhiều bạn sinh viên khác khi ngắm tranh".

Ban tổ chức cho biết, bức tranh độc đáo này sẽ được luân chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau trong khuôn viên trường để triển lãm, tuyên truyền cho khoảng 15.000 sinh viên của trường này. Đồng thời, sinh viên của Đại học Bách Khoa TP.HCM tại cơ sở 2 (huyện Dĩ An- Bình Dương) và sinh viên ở kí túc xá Đại học Bách Khoa TP.HCM ở 497 Hòa Hảo (TP.HCM) cũng sẽ có cơ hội thưởng lãm.

Từ đầu tháng 2/ 2012, Đoàn trường Đại học Bách Khoa TP.HCM đã phát động chương trình "sinh viên dùng xe đạp và phương tiện giao thông công cộng để đến trường". Đến nay, chương trình vận động này đã được thực hiện khá hiệu quả. Thống kê tại bãi xe cho thấy, lượng xe gắn máy đã giảm được đến gần 30%. Đáng mừng là có nhiều sinh viên chuyển qua đi xe buýt, đã thấy lựa chọn mới của mình hợp lý hơn so với việc đi xe gắn máy trước đây, và tích cực vận động thêm nhiều bạn bè "nào ta cùng buýt".

Sinh viên làm "cảnh sát giao thông"

Người dân ở gần hoặc từng thường xuyên lưu thông qua khu vực Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM ( 12 Nguyễn Văn Bảo, Phường 4, Quận Gò Vấp) vẫn còn chưa thể quên "quá khứ kinh hoàng": Cả 3 giờ cao điểm, khu vực này đều kẹt cứng xe khi hàng ngàn sinh viên của trường này túa ra đường. Không chỉ đường Nguyễn Văn Bảo, lượng sinh viên quá đông của trường đã khiến một đoạn đường dài Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Văn Nghi kẹt theo. Một số người đi đường còn có kinh nghiệm rằng, dù có việc gấp thế nào, cũng chẳng dám đâm vào khu vực Trường Đại học Công nghiệp, bởi ngày nào cũng kẹt xe, mà lực lượng công an giao thông quá mỏng, giải quyết không xuể.

Tháng 9/2010, một số sinh viên của trường đã mạnh dạn đề xuất Đoàn trường được…ra đường để phân luồng giao thông. Vậy là đội tình nguyện có tên "Đội trật tự an toàn giao thông- Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM" chính thức được thành lập, ban đầu chỉ có gần 10 thành viên.

Thành viên Đội trật tự an toàn giao thông trường ĐH Công nghiệp đang giải vây cho kẹt xe

Nghĩ thì đơn giản, nhưng bắt tay vào làm mới thấy khó. Nguyễn Công Văn, thành viên của Đội kể: "Trong dòng hỗn loạn của kẹt xe, chúng tôi tình nguyện ra điều tiết, mà còn bị một số người đi đường la mắng vì xe của họ bị chặn lại. Có trường hợp lơ xe còn dọa đánh. Mỗi ngày có 3 giờ cao điểm chúng tôi trực ngoài đường: 6g-6g45, 11g20-12g30, 17g15-18g30. Một số bạn không chịu được nắng, mưa, khói, bụi nên bỏ cuộc. Nhưng rất may, có nhiều bạn khác xung phong vào đội, nên hoạt động vẫn được duy trì tốt".

Văn là Đội trưởng, cũng là người tích cực nhất Đội. Chàng trai 22 tuổi này đã tốt nghiệp hệ Cao đẳng ở Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM năm 2011, hiện đã đi làm, nhưng vẫn tranh thủ sắp xếp chạy về với Đội. Từ ngày có những chiếc áo xanh này "tác chiến" ở các "điểm nóng" xung quanh trường Đại học Công nghiệp TP, nạn kẹt xe ở đây không còn nữa. Giang Ngọc Yến (SV Khoa Môi trường- Trường Đại học Công nghiệp TP, thành viên nữ duy nhất của Đội) chia sẻ: "Dù vất vả nhưng giải quyết được nạn kẹt xe, chúng tôi vẫn cảm thấy vui. Người đi đường cũng đã quen với hình ảnh của chúng tôi, nên sẵn lòng hợp tác. Tôi nghĩ, là thanh niên, còn trẻ khỏe, chưa vướng bận gia đình, thì dành một phần thời gian trong ngày cho hoạt động chung cho xã hội là điều nên làm".

Nhờ hoạt động hiệu quả, Đội đã "lôi kéo" được thêm bạn trẻ tham gia, hiện đã có hơn 20 thành viên.

TRẦN TRIỀU

Anh Nguyễn Việt Quế Sơn (Phó Ban Môi trường- An ninh- Quốc phòng, Thành Đoàn TP.HCM), người trực tiếp phụ trách chương trình "Đoàn TNCS TP.HCM thực hiện Năm an toàn giao thông 2012" cho biết:

"Chương trình hoạt động của Thành Đoàn TP.HCM thực hiện Năm an toàn giao thông 2012 xác định 9 chỉ tiêu phấn đấu thực hiện gồm: phấn đấu tham gia kéo giảm 10% tỷ lệ thanh niên vi phạm luật giao thông đường bộ, vận động 100% đoàn viên, hội viên, đội viên cam kết không vi phạm luật giao thông, tổ chức 30 chương trình sân khấu, diễn đàn về an toàn giao thông cho học sinh; 30 chương trình văn nghệ tuyên truyền về an toàn giao thông tại các khu chế xuất, khu công nghiệp; 10 chương trình giáo dục đặc biệt dành cho các đối tượng vi phạm luật giao thông, đua xe trái phép; 3 đợt ra quân giữ gìn trật tự an toàn giao thông; thành lập đội hình thành nguyện tham gia điều phối giao thông tại các điểm ùn tắc…".


Theo www.baomoi.com

Wednesday 28 March 2012

Nhieu sai sot trong cam nang tuyen sinh

(Dân Việt) - Cuốn cẩm nang "Những điều cần biết về tuyển sinh 2012" mà Nhà xuất bản Giáo dục phát hành hôm 13.3 đến nay đã bị nhiều trường đại học (ĐH) phản hồi là có sai sót.

Cụ thể, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM bị thiếu hoàn toàn thông tin tuyển sinh các ngành hệ ĐH; Trường ĐH Sài Gòn cũng bị đăng thiếu ngành luật với 3 chuyên ngành; Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM thì đăng thiếu thông tin về ngành công nghệ điện tử và kỹ thuật môi trường...

Tùng Anh


Theo www.baomoi.com

Tuesday 27 March 2012

Be hoc cach phan biet rau sach

(Zing) - Các em học sinh trường Tiểu học Khương Thượng đã có buổi tìm hiểu về rau củ quả, sử dụng

>> Đi cả trăm km 'săn' rau, thịt sạch dịp Tết

Hôm nay (25/3), tại trường Tiểu học Khương Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội), đã diễn ra Ngày hội rau an toàn , với sự tổ chức của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam phát biểu tại buổi lễ: "Song song với những cuộc điều tra về người tiêu dùng, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam có những hoạt động liên tiếp nhằm nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng để từ đó người tiêu dùng có thêm kiến thức và ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình hơn nữa. Và Ngày Hội rau an toàn là một trong những hoạt động bổ ích, có ý nghĩa không chỉ đối với các em học sinh mà còn đối với các bậc phụ huynh. Ngày Hội sẽ là cơ hội học hỏi, tiếp thu kiến thức về rau sạch, rau an toàn bằng trực quan sinh động đối với các em".

Tại đây, các bé đã được tìm hiểu về các loại rau củ quả sạch, được hướng dẫn cách sử dụng đồ tái chế, được tham gia các trò chơi để trở nên hứng thú hơn với chủ đề dường như chỉ dành cho các bà nội trợ.

Xung quanh sân trường Khương Thượng, những gian hàng rau, củ, quả, tư liệu về rau sạch... được sắp xếp rất xinh xắn, thu hút sự chú ý của các bé. Chính vì thế, sau lễ khai mạc, những bé tiểu học đã nhanh chóng nhập cuộc.

Các bé đọc tài liệu về rau sạch.

Cùng tham gia các trò chơi để tìm hiểu về rau củ quả sạch.

Cùng thử làm túi tái chế.

Và đúng như nhận định của ông Nguyễn Mạnh Hùng, bên cạnh sự hứng thú của các bé là sự đón nhận rất nhiệt tình của các bậc phụ huynh. Các loại rau sạch đã được phụ huynh tìm hiểu tranh thủ cơ hội có rau sạch chính gốc để mua về cho gia đình.

Phụ huynh chọn mua rau ngay tại trường học của con.

Thủy Nguyên

Theo Infonet.vn


Theo www.baomoi.com

Wednesday 14 March 2012

Nhung luu y quan trong khi lam thu tuc du thi DH, CD 2012

(Dân trí) -Ngày 15/3, thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ ĐKDT ĐH,CĐ 2012, để tránh những sai sót đáng tiếc, trong Quy chế tuyển sinh 2012, Bộ GD-ĐT đã quy định rất rõ về thủ tục và hồ sơ đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, chuyển nhận giấy báo thi, thí sinh cần lưu ý.
Những lưu ý quan trọng khi làm thủ tục dự thi ĐH, CĐ 2012
Thí sinh cần đọc kỹ Quy chế tuyển sinh trước khi làm hồ sơ ĐKDT.

Dự thi trường nào làm hồ sơ đăng ký dự thi trường đó

Thí sinh dự thi tại trường nào thì làm hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) vào trường đó; Thí sinh đã dự thi ĐH theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, nếu không trúng tuyển theo nguyện vọng đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi, có kết quả thi từ điểm sàn trở lên, được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi ĐH ngay năm đó để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào các trường còn chỉ tiêu xét tuyển hoặc không tổ chức thi tuyển sinh, có cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định.

Thí sinh đã trúng tuyển vào một trường (hoặc một ngành, nếu trường xét tuyển theo ngành) không được xét tuyển vào trường khác (hoặc ngành khác).

Thí sinh có nguyện vọng học tại trường ĐH không tổ chức thi tuyển sinh hoặc trường CĐ thuộc ĐH hoặc hệ CĐ của trường ĐH phải nộp hồ sơ ĐKDT và dự thi tại một trường ĐH tổ chức thi theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT có cùng khối thi; đồng thời nộp 1 bản photocopy mặt trước phiếu ĐKDT số 1 cho trường không tổ chức thi tuyển sinh hoặc trường CĐ thuộc ĐH hoặc hệ CĐ của trường ĐH. Những thí sinh này chỉ được xét tuyển theo nguyện vọng đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi vào trường không tổ chức thi hoặc trường CĐ thuộc ĐH hoặc hệ CĐ của trường ĐH;

Thí sinh dự thi vào ngành năng khiếu, nếu không trúng tuyển vào trường đã dự thi, được đăng ký xét tuyển vào đúng ngành đó của những trường có nhu cầu xét tuyển, nếu đúng vùng tuyển quy định của trường và có các môn văn hoá thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT.

Thí sinh dự thi CĐ theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, nếu không trúng tuyển theo nguyện vọng đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi, có kết quả thi từ mức điểm tối thiểu quy định trở lên (không có môn nào bị điểm 0), được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi CĐ ngay năm đó để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường cao đẳng hoặc trường CĐ thuộc ĐH hoặc hệ cao đẳng của các trường đại học còn chỉ tiêu xét tuyển, cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định.

Thí sinh có nguyện vọng học tại trường CĐ không tổ chức thi tuyển sinh hoặc trường CĐ thuộc ĐH hoặc hệ CĐ của trường ĐH phải nộp hồ sơ ĐKDT và dự thi tại một trường CĐ tổ chức thi theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT có cùng khối thi; đồng thời nộp 1 bản photocopy mặt trước phiếu ĐKDT số 1 cho trường không tổ chức thi tuyển sinh. Những thí sinh này được xét tuyển theo nguyện vọng đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi vào trường không tổ chức thi hoặc trường CĐ thuộc ĐH hoặc hệ CĐ của trường ĐH.

Mỗi túi hồ sơ ĐKDT có 2 phiếu đăng ký xét tuyển

Hồ sơ ĐKDT gồm có: Một túi hồ sơ và 2 phiếu ĐKDT có đánh số 1 và 2. Ba ảnh chụp theo kiểu chứng minh thư cỡ 4x6cm có ghi họ, tên và ngày, tháng, năm sinh của thí sinh ở mặt sau (một ảnh dán trên túi đựng hồ sơ, hai ảnh nộp cho trường). Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận là đối tượng ưu tiên (nếu có).

Ba phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh để các Sở GD-ĐT gửi giấy báo dự thi, giấy chứng nhận kết quả thi (hoặc giấy báo điểm) và giấy báo trúng tuyển.

Đối với thí sinh là đối tượng tốt nghiệp trung cấp nghề (hệ THCS) phải có xác nhận đã học đủ khối lượng và thi đạt các môn văn hoá THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Hồ sơ ĐKXT gồm có: Giấy chứng nhận kết quả thi do các trường tổ chức thi cấp; Một phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh để trường thông báo kết quả xét tuyển.

Thí sinh được nộp hồ sơ ĐKDT tại trường

Về thủ tục nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT: Thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT và cước phí vận chuyển hồ sơ tại nơi tiếp nhận theo quy định của Sở GD-ĐT. Các Sở GD-ĐT sẽ chuyển hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT cho các trường. Khi hết thời hạn nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT theo quy định của Sở GD-ĐT, thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT và lệ phí ĐKDT trực tiếp tại trường.

Sau khi nộp hồ sơ ĐKDT, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo cho trường trong ngày làm thủ tục dự thi để kịp sửa chữa, bổ sung. Những thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 trung học phổ thông; đoạt giải hoặc đẳng cấp thể dục thể thao, nghệ thuật, nộp thêm giấy chứng nhận đoạt giải hoặc giấy chứng nhận đẳng cấp trong ngày làm thủ tục dự thi.

Hồ sơ ĐKXT được nộp qua đường bưu điện

Thủ tục nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT: Theo đúng thời hạn quy định của các trường, thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc chuyển phát ưu tiên. Thí sinh cũng có thể nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT trực tiếp tại trường, Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm trong tất cả các khâu: tổ chức thu nhận, vào sổ, quản lí, cấp biên lai cho thí sinh.

Hồ sơ và lệ phí đăng ký xét tuyển của thí sinh dù nộp qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại các trường trong thời hạn quy định của trường, đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau.

Nếu không trúng tuyển hoặc có nguyện vọng rút hồ sơ ĐKXT đã nộp, thí sinh được quyền rút hồ sơ ĐKXT. Lệ phí ĐKXT đối với thí sinh rút hồ sơ và thí sinh không trúng tuyển do Hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định.

Hồng Hạnh

Theo tintuc.xalo.vn

Tuesday 13 March 2012

Giai Nhat ky thi HS gioi Van quoc gia chia se bi quyet hoc Van

(Dân trí) - "Khi xưa trong lịch sử, văn chương rất được coi trọng và dường như nó là tiêu chí để đánh giá người tài thì nay nó cũng xứng đáng được coi trọng…", Chu Minh Anh Thơ - giải Nhất môn Văn lớp 12 kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc chia sẻ.

Cái tin cô học trò nhỏ Chu Minh Anh Thơ - học sinh lớp 12C1 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) đạt số điểm cao nhất (17/20 điểm) và giành giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi (HSG) văn toàn quốc năm học 2011 - 2012 không làm mọi người bất ngờ. Bởi như cô giáo chủ nhiệm Lê Lương Tâm nhận xét thì: "Anh Thơ có đam mê văn chương và học giỏi ngay từ khi mới bước vào trường. Ngoài niềm đam mê văn chương, Anh Thơ còn có phương pháp học văn rất đặc biệt, điểm tổng kết môn Văn luôn đạt trên 9 phẩy. Trong kỳ thi vừa rồi, cô học trò đã chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng bởi vậy kết quả này hoàn toàn xứng đáng cho sự nỗ lực của em".
Được biết, Anh Thơ là học sinh thứ ba của Trường THPT Phan Bội Châu đoạt giải Nhất môn Văn HSG quốc gia kể từ khi thành lập trường tới nay.
Giải Nhất kỳ thi HS giỏi Văn quốc gia chia sẻ bí quyết học Văn
Chu Minh Anh Thơ vừa giành giải Nhất môn Văn kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2011 - 2012.

Đã là học sinh cuối cấp ba, chuẩn bị thi đại học nhưng Thơ trông bé xíu, chẳng khác gì một học sinh cấp hai. Bạn bè và thầy cô đùa rằng: chắc trong người Thơ có quá nhiều chữ nên không lớn lên được. Được biết, mẹ Anh Thơ là giáo viên dạy văn nên ngay từ bé, cô bạn đã sớm bộc lộ khả năng cảm thụ cái đẹp, đặc biệt là qua những câu ca dao, những vần thơ, áng văn của mẹ. Năm lớp 9, Thơ giành giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi văn toàn tỉnh Nghệ An.

Từ niềm đam mê văn học, Thơ quyết định gắn bó với hành trình tìm kiếm cái đẹp, cái thơ mộng của cuộc đời, những số phận con người qua từng con chữ, từng tác phẩm văn học bằng việc đăng ký vào lớp chuyên văn Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Trong khi gần như lớp trẻ tìm kiếm cơ hội trong tương lai bằng cách cố kiếm một "suất" trong các lớp khối tự nhiên thì lựa chọn của Minh Anh lại khiến nhiều người không khỏi tiếc cho em bởi ngoài khả năng nổi trội về môn Văn, Minh Anh học khá đều các môn tự nhiên. Thế nhưng, vượt qua những lời xì xào bàn tán, Minh Anh ghi dấu ấn của mình bằng thành tích ấn tượng.

Năm lớp 11, lần đầu tiên được nhà trường cử đi thi HSGQG môn Văn, Thơ đã giành giải Ba. Thế nhưng giải thưởng này không làm cô học trò nhỏ bằng lòng. "Nếu lần đó, em không bỏ sót ý vì quá tập trung vào việc trau chuốt ngôn từ thì kết quả đã khác", Thơ tiếc rẻ. Coi đây là một bài học xương máu, Thơ đã tìm cho mình một phương pháp học rất đặc biệt: ứng dụng công thức toán học vào những bài văn.

Thơ chia sẻ kinh nghiệm làm bài thi của mình: "Một bài văn cũng như một bài toán, nó đều có công thức để cho ra kết quả và bắt buộc học sinh phải tư duy để tìm ra phương án tối đa nhất. Để làm được một bài văn hay, ngoài khả năng cảm thụ thì cảm hứng sáng tạo là điều tối cần thiết. Và cảm hứng đó phải do mình tạo ra. Văn không phải là dông dài với những ngôn từ quá trau chuốt mà là khi đặt bút viết, người viết phải xác định mình viết cái gì, viết như thế nào, viết cái nào trước, cái nào sau. Dàn ý cho một bài văn cũng giống như một công thức để giải 1 bài toàn, nó phải đầy đủ, cụ thể, không được sót bất cứ chi tiết nào. Có như vậy mình mới tránh được lỗi sót ý trong khi làm bài".

Giải Nhất kỳ thi HS giỏi Văn quốc gia chia sẻ bí quyết học Văn
Bí quyết của Thơ là làm văn bằng công thức toán học.

Làm văn bằng công thức toán học, một cách suy nghĩ táo bạo nhưng chính bí quyết đó đã mang lại thành công lớn cho Anh Thơ. Một điều khiến chúng tôi bất ngờ với cô học trò nhỏ này đó là em học giỏi Văn không chỉ để thoả mãn niềm đam mê mà còn để chứng minh văn chương có những giá trị riêng của nó trong cuộc sống xô bồ, bon chen và nhiều toan tính như hiện nay.

"Nói thật là em rất buồn khi nhiều người tỏ ra không mấy thiện cảm khi biết em đang theo học lớp chuyên văn. Khi xưa trong lịch sử, văn chương rất được coi trọng và là một trong những tiêu chí để đánh giá người tài thì nay nó cũng xứng đáng được coi trọng. Thế nhưng trong suy nghĩ của một số người, văn chương có rất ít giá trị, không thể đưa lại một cuộc sống sung túc, đầy đủ như các ngành khối tự nhiên khác. Chính trong suy nghĩ của các bạn học sinh, giá trị của văn chương cũng đang bị coi nhẹ.

Bởi vậy, Anh Thơ quyết tâm học thật giỏi môn học này để chứng minh văn chương có giá trị lớn trong thực tiễn đời sống. Bản thân em rất muốn góp một chút gì đó để thay đổi nhận thức của mọi người rằng không chỉ có giỏi Toán, Lý hay Hoá học, Tin học mới có thể thành công. Em sẽ tiếp tục theo đuổi niềm đam mê văn chương của mình. Mong muốn sau này của em là sẽ trở thành một nhà phê bình văn học để góp một tiếng nói nâng cao giá trị văn chương, đặc biệt là thay đổi quan niệm lệch lạc của một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ về những giá trị của văn chương…", Anh Thơ chia sẻ về những ước mơ, dự định của mình.

Hiện nay, Anh Thơ đang miệt mài ôn luyện để giành kết quả cao nhất trong hai kỳ thi quan trọng sắp tới. Với giải Nhất kỳ thi quốc gia môn Văn, theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, em có thể đăng ký vào bất cứ một trường ĐH cùng khối thi nào. Thế nhưng cô học trò nhỏ của vùng đất học xứ Nghệ này vẫn quyết tâm ôn luyện và thử sức mình trong vai trò là một sĩ tử.

Chia sẻ về thành tích của Chu Minh Anh Thơ, thầy Đậu Văn Mùi - hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu cho biết: "Nhà trường không bất ngờ với thành tích mà Chu Minh Anh Thơ đã đạt được bởi bên cạnh niềm đam mê, Anh Thơ có một quyết tâm rất lớn mà không phải học sinh nào cũng có được. Thành công của em Thơ cũng là thông điệp mà nhà trường muốn gửi tới các phụ huynh, các em học sinh rằng, môn Văn nói riêng và các môn xã hội nói chung có nhiều giá trị và các em cần suy nghĩ và học tập một cách nghiêm túc. Nếu chọn một ngành tự nhiên cho nghề nghiệp tương lai thì những giá trị văn học, lịch sử cũng rất cần thiết bởi nó nâng tầm văn hoá, giúp con người sống có văn hoá hơn".

Hoàng Lam

Theo tintuc.xalo.vn

Han Quoc moi lop 1 giao vien 1 giam thi

Bộ Giáo dục, khoa học và kỹ thuật Hàn Quốc sẽ áp dụng quy định "hai giáo viên một lớp học" vào đầu tháng 3-2012 trong nỗ lực dập tắt nạn bạo lực học đường.

Theo quy định này, tại các trường tiểu học và trung học, mỗi lớp học phải có 1 giáo viên đứng lớp và 1 giám thị.

Hàn Quốc: mỗi lớp 1 giáo viên 1 giám thị
Ở Hàn Quốc có hai vụ học sinh tự tử liên quan đến bạo lực học đường cuối năm 2011 - Ảnh: Alamy

Giám thị có trách nhiệm giữ gìn nề nếp, kỷ luật, và quan trọng là phát hiện và xử lý kịp thời những hành động bạo lực ở học sinh như bắt nạt hay đánh nhau… Giám thị, ngoài lương tháng, được nhận phụ cấp 110.000 won (2,3 triệu đồng)/tháng.

Nhiều phụ huynh học sinh ủng hộ quy định này và cho rằng con em mình sẽ an toàn đến trường, không sợ bị bạn đánh hay bắt nạt.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên và nhà lãnh đạo giáo dục lên tiếng phản đối, cho rằng quy định chẳng thể dập tắt bạo lực học đường. Nhiều trường cho biết họ không đủ tiền để trả cho quá nhiều giám thị, và ít ai muốn làm nghề giám thị.

Theo một số giáo viên, quy định này sẽ khiến giáo viên đứng lớp rất khó dạy bảo học sinh vì các em sẽ không biết phải vâng lời ai, giáo viên chính hay giám thị.

"Hàn Quốc từng áp dụng quy định tương tự vào thập niên 1990 nhưng thất bại", theo một giáo viên tiểu học 54 tuổi ở Incheon.

Nạn bạo lực học đường và các vụ tự sát có liên quan đến bạo lực học đường ngày càng gia tăng tại Hàn Quốc và các nước châu Á.

Năm 2011, ở Hàn Quốc có hai vụ học sinh tự tử liên quan đến bạo lực học đường.

Hôm 20-2, toà án ở Daegu tuyên án 3 năm tù giam đối với hai học sinh (15 tuổi) về tội liên tục hành hung một học sinh khác khiến em này phải tự tử.

Theo DUY PHÚC (TT/ Korea Times)

Theo tintuc.xalo.vn

Monday 12 March 2012

Nu sinh chiem toilet keu goi binh dang gioi

Một số nữ sinh ở thành phố Quảng Châu đã diễn vở kịch "Chiếm nhà vệ sinh nam" nhằm kêu gọi giải quyết sự bất cân đối giữa nhà vệ sinh công cộng nam- nữ, kiến nghị  nâng cao tỉ lệ nhà vệ sinh nữ, xây thêm những nhà vệ sinh không phân biệt giới tính.


Nữ sinh chiếm toilet kêu gọi bình đẳng giới
Sự kiện diễn kịch "chiếm nhà vệ sinh" gây chú ý

Nhà vệ sinh nữ xếp hàng dài, nhà vệ sinh nam quá rộng


"Anh ơi, có thể đợi chút được không, để các bạn nữ dùng nhà vệ sinh nam một chút. Nhà vệ sinh nữ bên kia phải xếp hàng lâu quá rồi..." 11h trưa ngày 19/2/2012, tại một nhà vệ sinh công cộng miễn phí ở công viên Việt Tú- Quảng Châu, một vài nữ sinh viên đã diễn vở kịch "Chiếm nhà vệ sinh nam".

Họ hi vọng thông qua hoạt động này, có thể thu hút được sự quan tâm của chính phủ và xã hội về việc mất cân đối của nhà vệ sinh nam- nữ, từ đó xoá bỏ hiện tượng phụ nữ phải xếp hàng ở những nhà vệ sinh công cộng.

Hoạt động "Chiếm nhà vệ sinh nam" do một nữ sinh tên Lí Thê Tử khởi xướng. Cô nói, là một nữ sinh, đến những nhà vệ sinh công cộng luôn phải xếp hàng, đang cùng bạn bè tán gẫu cũng có thể thấy rất nhiều phụ nữ khác vì thế mà vô cùng khó chịu.

Lí Thê Tử nhận thấy: "Có thể dễ dàng nhận thấy, tỉ lệ nhà vệ sinh nam nữ hiện nay là 1:1, nam nữ bình đẳng, vậy nhưng đặc điểm sinh lí của nam nữ không giống nhau, nên thời gian vào nhà vệ sinh cũng không như nhau, thực tế như vậy là không hề bình đẳng".

Lí Thê Tử nói, thiết nghĩ việc phụ nữ phải xếp hàng dài trước những nhà vệ sinh  công cộng đã không còn là việc lạ lùng gì, cô và các bạn làm việc này để thức tỉnh sự an phận của mọi người cũng như gây sự chú ý của xã hội và chính phủ.

11h trưa ngày 19/2/2012, Lí Thê Tử và các bạn mang "đạo cụ" đến nhà vệ sinh công cộng của công viên Việt Tú. Lúc đó, mọi người đã xếp thành hàng dài trước nhà vệ sinh nữ. Các bạn của Lí Thê Tử đã giơ cao hai băng rôn tự làm, một là "Chăm sóc cho phụ nữ từ sự tiện lợi", cái còn lại là "Phụ nữ càng tiện lợi, nam nữ càng bình đẳng".

"Anh ơi, có thể đợi chút , để các bạn nữ dùng nhà vệ sinh nam một chút được không? Nhà vệ sinh nữ bên kia phải xếp hàng lâu quá rồi... Có người đã không thể nhịn được rồi..." - họ đến trước mặt anh chàng đang tiến vào nhà vệ sinh và nói như vậy. Có người tỏ ra bối rối nhưng sau khi nghe giải thích xong đã đồng ý.

Các nữ sinh còn gửi đến người dân thành phố "Bức thư gửi nam giới". Trong thư họ kêu gọi: thông qua lập pháp mà tăng thêm số lượng các nhà vệ sinh nữ công cộng, ít nhất đạt tớ tỉ lệ 1 nhà vệ sinh nam: 2 nhà vệ sinh nữ.

Nữ sinh chiếm toilet kêu gọi bình đẳng giới
Nhiều người ủng hộ việc tăng thêm nhà vệ sinh nữ,  bởi phụ nữ phải xếp hàng đợi đi vệ sinh, không chỉ lãng phí thời gian, mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ

Nhiều người tán thành

Nam giới thường xuyên phải đợi vợ hoặc bạn gái cũng tán thành việc này.

Một cô gái họ Hoàng vừa từ nhà vệ sinh bước ra nói, mỗi khi cô và bạn trai đi chơi, anh vào nhà vệ sinh chỉ mất khoảng 1 phút nhưng cô ít nhất cũng mất đến 10 phút.

Một sinh viên họ Vương đến từ Đại học Ngoại ngữ Quảng Đông nói, từ lâu tỉ lệ nam nữ đã có sự chênh lệch lớn,nhưng tỉ lệ nhà vệ sinh vẫn là 1:1, dẫn đến việc những nhà vệ sinh nam thì rộng rãi, nhà vệ sinh nữ thì luôn chật cứng. Cô kiến nghị nên học tập cách làm của Hồng Kong, Đài Loan, nâng cao tỉ lệ nhà vệ sinh nữ.

Một người họ Ngô cũng bày tỏ ý kiến. Ông nói, ông và vợ đi dạo khi phải vào nhà vệ sinh, vợ ông lúc nào cũng phải đợi xếp hàng rất lâu, ông cũng phải đợi cùng. "Nếu như có thể tăng thêm nhà vệ sinh nữ, đó là tiến bộ của xã hội. Tôi thấy rằng số lượng nhà vệ sinh nữ phải gấp 2 lần nhà vệ sinh nam thì mới đủ".

Theo như báo đã đưa tin năm ngoái, Uỷ viên Hội đồng chính trị tỉnh Quảng Châu Hàn Chí Bằng đã bày tỏ kiến nghị thông qua quy định mới của pháp luật địa phương, cải tạo nhà vệ sinh công cộng, tăng thêm các nhà vệ sinh nữ về diện tích cũng như số lượng, xác định rõ tỉ lệ cần thiết của nhà vệ sinh nam - nữ là 1:1.5.

Đối với đề xuất của Hàn Chí Bằng, tháng 3 năm 2011,  cơ quan có thẩm quyền của thành phố đã đề ra quyết định "Về việc thực hiện nâng cao tỉ lệ nhà vệ sinh công cộng nữ", đề ra quá trình xây mới, mở rộng, cải tạo nhà vệ sinh công cộng ở Quảng Châu, trong đó tỉ lệ nhà vệ sinh nam nữ không thấp hơn 1:1.5. Ban quản lí đặc nhiệm của thành phố sẽ thông qua lập pháp, quyết định "Biện pháp quản lí nhà vệ sinh công cộng thành phố Quảng Châu", trong đó nêu rõ, lấy tỉ lệ nhà vệ sinh nam - nữ đạt 1:1.5 làm điều khoản thực thi bắt buộc.
Chuyên gia: Đáp ứng nhu cầu nội tại của phụ nữ

Người phụ trách diễn đàn giáo dục giới tính của đại học Trung Sơn - phó giáo sư Kha Sảnh Đình cũng rất ủng hộ việc tăng thêm nhà vệ sinh nữ, phụ nữ phải xếp hàng đợi đi vệ sinh, không chỉ lãng phí thời gian, mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Kha Sảnh Đình nói, "Nhà vệ sinh nữ phải xếp thành hàng dài, điều  này ảnh hưởng đến văn minh đô thị, tăng thêm tỉ lệ nhà vệ sinh nữ, là một quá trình "hài hoà trong ngoài", không chỉ đáp ứng nhu cầu nội tại của phụ nữ  mà còn tăng thêm sự văn minh cho đô thị".

Kha Sảnh Đình chỉ ra, việc nâng cao tỉ lệ nhà vệ sinh nữ vẫn ở trong giai đoạn tranh cãi, mãi vẫn chưa đi vào quy định pháp luật.

Nhà vệ sinh không phân biệt giới tính có được không?


Một số đề xuất, có thể thêm những nhà vệ sinh không phân biệt giới tính, nam nữ dùng chung, tránh lãng phí. Một thanh niên nói, anh cho rằng xây dựng nhà vệ sinh công cộng không phân biệt giới tính rất bất tiện, dễ dẫn đến nhìn trộm, phát sinh tội phạm.

Về việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng nam nữ dùng chung, Kha Sảnh Đình cũng bày tỏ cách nhìn của mình.

Bà cho rằng, nhà vệ sinh nam nữ dùng chung có thể hữu ích với một vài đối tượng sau:

Một là người mang theo con cái, phụ nữ có thai hoặc người già cần giúp đỡ. Hai là những người đồng tính, bới vì lí do hình thức mà họ vào WC nào cũng cảm thấy bất tiện. Ba là những người "khác biệt", ví dụ như ưa ăn mặc khác thường hay thay đổi giới tính. Bốn là điều tiết bất cứ nhà vệ sinh nào cần phải xếp hàng đợi.

  • Quỳnh Hương ( Theo Ifeng)




Theo tintuc.xalo.vn

Co ban 2 lan doat giai Nhat HS gioi Quoc gia mon tieng Anh

(Dân trí) - Từng đạt giải Nhất kỳ thi HSG Quốc gia môn tiếng Anh năm 2010, Nguyễn Thị Hoàng Quyên, lớp 12Anh1, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tiếp tục gây ấn tượng với giải Nhất HSG Quốc gia môn tiếng Anh năm học 2011-2012 với số điểm 17,15/20.

Được biết, sau khi học năm lớp 11 ở Việt Nam, Quyên có sang Mỹ theo chương trình học bổng ASSIST. Vì thế nên em đã học năm lớp 11 một lần nữa ở Mỹ tại một trường tư tên là The Latin School of Chicago. Chương trình học bổng này chỉ kéo dài 1 năm nên sau khi học xong ở Chicago, Quyên trở lại Việt Nam để học nốt lớp 12 và sau đó sẽ xin vào đại học ở Mỹ.

Từng tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm lớp 11 và đạt giải Nhất nên năm lớp 12, Quyên đặt mục tiêu phải cố gắng hết sức để giành kết quả tốt nhất cho đội tuyển của trường và thành phố.

Không bị áp lực thành tích chi phối, Quyên bước vào kỳ thi quốc gia với vốn kiến thức đã trang bị từ trước. Tuy nhiên, em cũng thừa nhận, giải Nhất quốc gia đến với em phần nhiều là may mắn.

Quyên chia sẻ: "Bình thường điểm bài tập của em ở đội tuyển thường không cao lắm. Khi đi thi, em không đặt nhiều hy vọng cho bản thân lắm nhưng vẫn muốn phấn đấu có giải để không phụ lòng nhiều thầy cô đã tạo điều kiện cho em trong suốt học kỳ I năm lớp 12. Vậy nên em hơi bất ngờ khi đạt giải nhất. Em thấy mình khá may mắn".

Trong môn tiếng Anh, Quyên đặc biệt có thế mạnh về phần nói nên phần thi nói năm nay em làm khá tốt. Với em, các kỹ năng tiếng Anh đều khó nếu muốn thực sự giỏi. Muốn viết giỏi thì phải viết nhiều; nghe, đọc hay nói cũng tương tự.

Tuy nhiên, Quyên thừa nhận, em thích học viết. Điều này giúp em rèn luyện kỹ năng viết bài để xin vào các trường đại học ở Mỹ. Chia sẻ kinh nghiệm học tốt môn tiếng Anh, Quyên cho biết: "Theo em, mỗi người có một phương pháp học riêng. Với bản thân em, ngoài thời gian học đội tuyển ở trường, còn lại, thời gian ở nhà, em xem rất nhiều phim và đọc sách bằng tiếng Anh. Em nghĩ là cứ xem nhiều phim, đọc nhiều sách, chăm viết và nói hàng ngày thì sẽ giỏi. Tất nhiên còn phải tự tin nữa".
Cô bạn 2 lần đoạt giải Nhất HS giỏi Quốc gia môn tiếng Anh
Hoàng Quyên đi chơi chợ hoa ở Hà Nội, Tết 2012. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ngoài tiếng Anh, Quyên thích học Văn học nước ngoài, Lịch sử Mỹ và Lịch sử Nghệ thuật. Thực hiện phương châm "Nếu học không xong thì không đi ngủ", với những môn học yêu thích, em luôn cố gắng hoàn thành những gì mình đã bắt đầu bởi em không thích sự dở dang.

Không chỉ học tốt, Quyên còn chăm chỉ tham gia các câu lạc bộ, diễn đàn. Em tham gia VYF (Vietnam Youth Forum/Diễn Đàn Tuổi Trẻ Việt Nam) và tổ chức SEALNet (South-East Asian Leadership Network). Hè 2012, em sẽ tiếp tục làm VYF 2012 và SEALNet Project Vietnam 2012 ở Sài Gòn. Ngoài ra, Quyên tham gia Debate Club từ hồi lớp 10. Năm lớp 11, học ở Mỹ, em tham gia Model UN và câu lạc bộ nhiếp ảnh.

Chia sẻ về dự định tương lai, Quyên bật mí: "Em dự định sẽ đi du học Mỹ. Cuối năm vừa qua, em đã nhận được học bổng của trường University of Chicago và hiện tại em đang đợi kết quả của một số trường đại học khác".

Linh Anh
Theo tintuc.xalo.vn

Sunday 11 March 2012

Bo dinh chi tuyen sinh, sinh vien bat an

(SVVN) Sau quyết định đình chỉ tuyển sinh đối với 3 trường đại học, cao đẳng ở TP. HCM và Hà Nội, hàng trăm sinh viên đã tỏ ra bất an khi đang theo học các trường nói trên.

Ba trường đại học, cao đẳng bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012 là: Trường ĐH Văn Hiến, với lý do chưa có đất để xây trường, tỷ lệ sinh viên trên giảng viên cơ hữu quá cao: 4.947/52; trường ĐH Đông Đô, với lý do tương tự như trường ĐH Văn Hiến, tỷ lệ sinh viên trên giảng viên cơ hữu: 4.276/77; trường CĐ Công nghệ Thông tin TP. HCM, với lý do diện tích đất quá nhỏ, tỷ lệ sinh viên trên giảng viên cơ hữu quá cao: 6.420/76. Bộ GD - ĐT yêu cầu, đến năm 2013, nếu các trường này không khắc phục được các điều kiện bảo đảm chất lượng sẽ xem xét đình chỉ hoạt động đào tạo.

Tiếp xúc với Sinh Viên Việt Nam, bạn Lê Thị Thúy (năm thứ 2, khoa Du lịch, trường ĐH Văn Hiến) cho biết: "Hiện nay, sinh viên trong trường rất lo lắng, hoang mang trước thông tin nhà trường bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012. Nhiều bạn nợ học phần, định đăng ký học lại với khóa sau đang đứng trước nguy cơ ra trường trễ 1 năm do không có lớp để theo học". Còn Lê Đức Vân (năm thứ 2, khoa Công nghệ thông tin, trường CĐ Công nghệ Thông tin TP. HCM) lo lắng, sau khi ra trường sẽ khó xin được việc làm do nhà tuyển dụng sợ chất lượng đào tạo thấp. Đức Vân giải thích: "Bây giờ, ai cũng biết tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu quá cao nên tụi mình rất lo lắng ra trường sẽ bị doanh nghiệp tẩy chay. Tốt nghiệp mà không xin được việc làm thì mình không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ ngân hàng".

Rất nhiều sinh viên lo lắng, đến năm 2013 mà trường chưa xây dựng được cơ sở vật chất mới và số lượng giảng viên cơ hữu không tăng lên sẽ bị Bộ GD - ĐT đình chỉ hoạt động giáo dục. Như vậy, hàng ngàn sinh viên sẽ bị đứt gánh giữa đường.

[ Phản hồi ]

SẼ CẢI THIỆN TÌNH HÌNH


Trao đổi với Sinh Viên Việt Nam ngày 31/1/2012, PGS. TS Nguyễn Mộng Hùng, Hiệu trưởng trường ĐH Văn Hiến xác nhận, trong thời gian qua nhà trường có nhận được nhiều phản ánh bày tỏ sự lo lắng của sinh viên về chuyện trường ĐH Văn Hiến bị đình chỉ tuyển sinh trong năm 2012. Tuy nhiên, trên website của nhà trường, cũng có nhiều sinh viên cho rằng, cơ sở vật chất, giảng viên đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học của sinh viên.

Về chuyện sinh viên còn nợ học phần sẽ đối diện với nguy cơ ra trường trễ 1 năm vì không có khóa sau để học chung, PGS. TS Nguyễn Mộng Hùng cho rằng: "Đó là thực tế mà những nhà giáo như chúng tôi không mong muốn. Bộ GD - ĐT quyết định thì chúng tôi phải chấp hành chứ thật ra, trường ĐH Văn Hiến không phục. Chúng tôi vừa làm văn bản gửi Bộ GD - ĐT để trình bày về phương hướng hoạt động, số lượng giảng viên cơ hữu, sinh viên… Còn trước mắt, những sinh viên nợ học phần sẽ được phòng Đào tạo thống kê rồi mới quyết định mở lớp cho học lại hay không".

Làm việc với Sinh Viên Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Tác Anh, Hiệu trưởng trường CĐ Công nghệ Thông tin TP. HCM cho biết: "Khi nhận được quyết định của Bộ, chúng tôi rất buồn. Trường bị ảnh hưởng chỉ là một phần nhưng sinh viên ra trường sẽ đối diện với nguy cơ khó xin việc. Những năm qua, chúng tôi vẫn làm tốt công tác đào tạo. Sinh viên chưa ra trường nhưng vẫn được những công ty, tập đoàn lớn tuyển dụng". PGS. TS Nguyễn Tác Anh cho biết thêm, con số sinh viên, giảng viên cơ hữu thể hiện trong Quyết định thanh tra của Bộ GD - ĐT là không chính xác. Hiện tại, nhà trường đang làm văn bản gửi Bộ để báo cáo lại vấn đề này. Để cải thiện vấn đề, hiện nay, nhà trường đang cố gắng tuyển dụng giảng viên để giảm tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu xuống còn 30/1. Đến tháng 7/2012, tòa nhà 10 tầng sẽ được đưa vào sử dụng. Như vậy, diện tích sàn xây dựng cũng được tăng lên đáng kể.

Khi Sinh Viên Việt Nam đặt vấn đề, đến năm 2013 mà trường chưa xây dựng được cơ sở mới, giảng viên cơ hữu chưa đạt theo chuẩn của Bộ GD - ĐT, hàng ngàn sinh viên sẽ đối diện với nguy cơ nghỉ học, PGS. TS Nguyễn Tác Anh cho rằng: "Việc đề ra chuẩn để các trường thực hiện là cần thiết. Nhưng quyết định thì phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của nước ta. Bộ GD - ĐT không thể lấy chuẩn của các nước phương Tây mà áp dụng vào Việt Nam. Đến năm 2013, chắc chắn, nhà trường sẽ không kịp đạt chuẩn như Bộ quy định. Lúc đó, chúng tôi sẽ tuyển sinh và hoạt động cầm chừng".

HÀNG NGÀN SINH VIÊN BỊ ẢNH HƯỞNG


Ngoài 3 trường đại học, cao đẳng nói trên, Bộ GD - ĐT cũng đình chỉ tuyển sinh 12 ngành đạo tạo ở các trường đại học khác. Bộ đình chỉ tuyển sinh 4 ngành: Kỹ thuật xây dựng công trình, tiếng Anh, tiếng Trung, Việt Nam học của trường ĐH Chu Văn An do chưa có giảng viên cơ hữu đạt trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Tại trường ĐH Lương Thế Vinh, Bộ đình chỉ tuyển sinh 4 ngành gồm: Công nghệ Kỹ thuật điện - Điện tử, Công nghệ thực phẩm, Bảo vệ thực vật, Khoa học Thư viện, do chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Ở trường ĐH Nguyễn Trãi, Bộ đình chỉ tuyển sinh 2 ngành là Kế toán và Quản trị kinh doanh, do chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ, tỉ lệ sinh viên/giảng viên cao. Còn trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng bị Bộ GD - ĐT đình chỉ 2 ngành là Kế toán, Quản trị kinh doanh, do chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ, tỉ lệ sinh viên/giảng viên cao. Đến năm 2013, nếu các ngành nêu trên vẫn không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến đình chỉ tuyển sinh thì sẽ xem xét thu hồi quyết định mở ngành đào tạo các ngành này.

Ngoài ra, Bộ GD - ĐT cũng đã ra văn bản cảnh báo 3 trường chưa có đất xây dựng trường là: ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô, ĐH Nguyễn Trãi. Đến năm 2013, nếu các trường này vẫn chưa có đất xây dựng theo cam kết thì đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải thể trường.

Với những trường có đất nhưng chưa xây dựng được cơ sở vật chất như các trường: ĐH Hòa Bình, ĐH Chu Văn An, ĐH Kinh tế - Tài chính TP. HCM, ĐH Quốc tế Sài Gòn, đến năm 2013, nếu các trường này vẫn chưa xây dựng được trường theo cam kết sẽ đình chỉ hoạt động và xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải thể trường.

Quang Duy

Lưu bài viết |

Bản in |

Gửi bạn bè |

Lưu yêu thích |

PDF |

Phản hồi (0)
Chia sẻ

Theo www.baomoi.com

Ngay mai, Ha Noi doi gio hoc Bi dong, lo lang

(NLĐO)- Việc thay đổi giờ học từ ngày 1-2 khiến cả giáo viên cũng như phụ huynh, học sinh ở Hà Nội lo lắng vì sinh hoạt bị đảo lộn.
Theo quy định của UBND TP Hà Nội, từ ngày 1-2, học sinh mầm non, tiểu học, THCS bắt đầu học từ 8 giờ và kết thúc lúc 17 giờ; học sinh, sinh viên trường THPT, TCCN, CĐ, ĐH bắt đầu giờ học buổi sáng trước 7 giờ và kết thúc sau 19 giờ.

Dự kiến sẽ có khoảng 900 trường với trên 500.000 học sinh nằm trong diện bị điều chỉnh. Trong đó, hơn 90.000 học sinh THPT và khoảng gần 40% trong số này (35.000 em) học ca chiều.


Học sinh THPT tại Hà Nội sẽ kết thúc giờ học sau 19 giờ. Ảnh chụp tại trường THPT Trần Phú, Hà Nội

Ông Phan Thanh Tùng, Hiệu trưởng THPT Trần Nhân Tông, khẳng định việc thay đổi giờ học sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến nếp sinh hoạt của học sinh và giáo viên. Lãnh đạo nhiều trường khác thừa nhận trong thời gian đầu thực hiện chắc chắn sẽ gặp khó khăn và phải từng bước điều chỉnh như thời gian làm việc của các cô giáo mầm non và tiểu học phải kéo dài thêm từ 1-2 giờ; thời khóa biểu phải sắp xếp lại sao cho hài hòa giữa ca sáng và ca chiều.

Một số hiệu trưởng khác khi được hỏi cũng cho biết phải lắp thêm bóng đèn ngoài sân trường để đảm bảo ánh sáng cho học sinh mỗi khi tan trường.

Một giáo viên trường THPT Phan Huy Chú cho biết không chỉ chị mà nhiều đồng nghiệp khác cũng rất lo lắng trước việc đổi giờ học. Theo lịch mới, chị phải có mặt ở trường khoảng 19 giờ kém 10 và về đến nhà vào khoảng 19 giờ 30 . Ăn cơm và dọn dẹp nhà cửa xong thì cũng đã 21 giờ kém, không còn thời gian chăm sóc con cái cũng như làm công việc là soạn giáo án lên lớp.

Chưa hết, vì cả hai vợ chồng chị đều là giáo viên, phải đến trường sớm nên không biết phải đưa cô con gái đang học lớp 2 đi học bằng cách nào khi tới 8 giờ, con chị mới vào lớp.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trong những ngày đầu thực hiện nếu có học sinh đi muộn, nhà trường phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để học sinh sinh viên vào học.

Nếu cha mẹ học sinh chưa kịp đến đón con em, các nhà trường cần có biện pháp quản lý học sinh chờ gia đình đến đón. Sau 2 tuần điều chỉnh giờ học, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ yêu cầu các trường báo cáo vướng mắc để đề xuất hướng xử lý.

Theo www.baomoi.com

Saturday 10 March 2012

Nhieu truong cong bo chi tieu tuyen sinh 2012

(GD&TĐ)-Trước khi phương án kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 được quyết định trong thời gian tới, nhiều trường ĐH lớn đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh cũng như cho biết sẽ mở thêm ngành mới trong đợt tuyển sinh năm nay.

(GD&TĐ)-Trước khi phương án kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 được quyết định trong thời gian tới, nhiều trường ĐH lớn đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh cũng như cho biết sẽ mở thêm ngành mới trong đợt tuyển sinh năm nay.

Theo TS.Nguyễn Thành Nam (ĐH Bách khoa – ĐHQG TP.HCM), kỳ tuyển sinh 2012, ĐHQG HCM sẽ tuyển sinh với tổng 13.420 chỉ tiêu, trong đó có 12.570 chỉ tiêu ĐH và 850 chỉ tiêu CĐ. Trường vẫn chung thủy với phương án "3 chung".

ĐKDT vào trường, nếu thí sinh không trúng tuyển vào ngành ĐKDT (NV1), nếu có nguyện vọng sẽ được chuyển vào ngành cùng khối thi còn chỉ tiêu và có điểm trúng tuyển thấp hơn tại các đơn vị đào tạo trong ĐHQG-HCM (NV1B).

TS.Nguyễn Thành Nam cũng cho biết, tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới của ĐH Bách khoa HCM năm 2012 là 3950 chi tiêu, trong đó 3800 chỉ tiêu các ngành đào tạo ĐH và 150 các ngành đào tạo CĐ. Trường mở thêm 2 chuyên ngành mới tuyển sinh khối A gồm: hóa dược thuộc ngành kỹ thuật hóa học và kỹ thuật thiết kế thuộc ngành kỹ thuật cơ khí.

Trường tuyển sinh ngành Kiến trúc thi khối V gồm Toán, Vật Lí thi theo đề khối A cộng với môn năng khiếu "Vẽ đầu tượng" thi riêng (Toán - hệ số 2, Lí và Năng khiếu - hệ số 1). Điều kiện tiên quyết môn năng khiếu có điểm thi từ 5 trở lên. Thí sinh thuộc diện tuyển thẳng đăng ký vào ngành Kiến trúc phải thi các môn năng khiếu và điểm thi phải từ 5 trở lên mới được xét trúng tuyển.

Trường cũng tuyển 170 SV Chương trình hợp tác Việt - Pháp đào tạo kĩ sư chất lượng cao (PFIEV). Đối tượng là tất cả thí sinh trúng tuyển vào trường ĐH Bách khoa HCM có điểm thi tuyển sinh từ 42,0 trở lên – tính hệ số (Toán x3 + Vật lý x2 + Hóa x1). Sinh viên học chương trình này có chế độ hỗ trợ học bổng, khi tốt nghiệp được nhận bằng của ĐHBK và bằng của trường đối tác Pháp (tương đương Master châu Âu)

Bốn trường thành viên khác của ĐHQGHCM là ĐH Khoa học xã hội nhân văn, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc tế và ĐH Khoa học tự nhiên sẽ mở thêm ngành mới. Cụ thể, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn mở ngành Ngữ văn Ý (khối D1) với 50 chỉ tiêu; ĐH Khoa học tự nhiên tuyển ngành kỹ thuật hạt nhân (khối A); ĐH Kinh tế - Luật tuyển ngành kinh doanh quốc tế (khối A và D1); Trường ĐH Quốc tế mở thêm ngành dược (tuyển sinh khối A, A1 và B với 50 chỉ tiêu) và ngành kỹ thuật tài chính và quản lý rủi ro (tuyển sinh khối A và A1) với 30 chỉ tiêu.

Trường ĐH Tài chính Marketing cũng cho biết vừa được Bộ GD&ĐT cho phép mở thêm 3 ngành học mới tuyển sinh khối A và D1. Đó là ngành Kinh doanh quốc tế; bất động sản và quản trị khách sạn.

Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM năm 2012 mở thêm 2 chuyên ngành mới là quản trị dự án xây dựng (khối A) và kỹ thuật kết cấu công trình (Khối A). Trường ĐH Văn hóa TP.HCM mở thêm chuyên ngành truyền thông và văn hóa thuộc ngành văn hóa học, tuyển sinh khối C và D1 với 50 chỉ tiêu. Trường ĐH Nông lâm TP.HCM mở thêm chuyên ngành địa chính - quản lý đô thị trong ngành quản lý đất đai, tuyển sinh khối A và D1 với 50 chỉ tiêu.

Năm 2012, ĐHQG Hà Nội vẫn giữ nguyên chỉ tiêu như năm trước là 5.500 đồng thời mở thêm hai ngành bác sĩ đa khoa và dược học. Hai chương trình này sẽ được áp dụng một số quy trình của các mô hình đào tạo chất lượng cao và đào tạo đạt chuẩn quốc tế.

Giống như ĐHQG Hà Nội, một số ĐH khác cũng cho biết sẽ giữ nguyên chỉ tiêu như năm trước như ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương, Học viện Bưu chính - Viễn thông...

Cục Khảo thí sẽ chủ trì công tác thi tuyển sinh

Bộ GD&ĐT đã có quyết định chuyển nhiệm vụ chủ trì công tác thi tuyển sinh CĐ, ĐH từ Vụ Giáo dục ĐH sang Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. Theo đó, từ năm 2012, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục sẽ đảm nhiệm việc xây dựng và trình bộ trưởng phê duyệt, ban hành các văn bản quy định pháp luật, đề án, hướng dẫn về chủ trương, chính sách, công tác thi tuyển sinh; chỉ đạo các cơ sở giáo dục ĐH, hướng dẫn các UBND cấp tỉnh, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc triển khai công tác chuẩn bị thi, tổ chức thi; phối hợp với thanh tra, Vụ Giáo dục ĐH và các đơn vị liên quan trong việc thanh tra các kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH.


Hiếu Nguyễn

,

Theo www.baomoi.com

Doi gio hoc, duong van tac

(TNO) Ngày 1.2, nhóm phóng viên Thanh Niên Online có ghi nhận về ngày đầu tiên TP.Hà Nội thực hiện việc đổi giờ làm, giờ học tại 10 quận nội thành và hai huyện.

(TNO) Ngày 1.2, nhóm phóng viên Thanh Niên Online có ghi nhận về ngày đầu tiên TP.Hà Nội thực hiện việc đổi giờ làm, giờ học tại 10 quận nội thành và hai huyện.

TIẾP TỤC CẬP NHẬT

Sáng 1.2, có mặt tại khu vực Trường tiểu học Nam Thành Công (75 Nguyên Hồng, Q.Đống Đa), chúng tôi nhận thấy tuy đã có sự điều chỉnh, thay đổi giờ học, nhưng tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra.

Cụ thể, lúc 7 giờ 45 phút sáng, các tuyến đường dẫn tới trường như ngã ba Nguyễn Chí Thanh - Trúc Khê, Trúc Khê - Nguyên Hồng, Nguyên Hồng - Huỳnh Thúc Kháng… đều bị ùn ứ.

Các dòng xe đều phải nhích từng vòng bánh xe. Thậm chí sợ muộn giờ, nhiều phụ huynh phóng xe máy lên vỉa hè mấp mô đang thi công.

Lúc 7 giờ 55 phút, tình trạng ùn ứ vẫn chưa được vãn hồi. Đoạn đường Nguyên Hồng chạy qua trước cổng trường Nam Thành Công ken cứng người xe.

Khi được hỏi về tình trạng ùn tắc có thuyên giảm sau khi nhà trường thay đổi lịch học hay không, bác Nguyễn Văn Tùng, một hộ dân kinh doanh đối diện với cổng Trường tiểu học Nam Thành Công cho biết: "Thật sự là tôi vẫn chưa thấy giảm bớt ùn tắc đâu. Vẫn cứ từ 7 giờ 30 phút sáng đổ đi là các ngả đường dẫn tới khu vực xung quanh trường lại ùn tắc. Tình trạng này chỉ hết khi các học sinh đã vào hết trong lớp".

Dưới đây là một số hình ảnh Thanh Niên Online ghi được.


Tại các ngã ba đường dẫn tới trường, các loại xe đều phải lưu thông rất chậm


Đường chính Nguyên Hồng dẫn tới trường Nam Thành Công bị ùn tắc


Lo muộn học, nhiều phụ huynh lái xe chạy trên vỉa hè


Người phụ nữ này dắt con băng qua đường để vào trường trước dòng xe cộ đông đúc


Cậu học sinh này cũng vậy...


Cảnh ùn tắc trước cổng Trường tiểu học Nam Thành Công vào lúc 7 giờ 51 phút sáng 1.2

Hà An
(thực hiện)

>> Đổi giờ có hết kẹt xe?
>> Loay hoay chuẩn bị đổi giờ làm việc học hành
>> Nghị trường mổ xẻ chuyện kẹt xe, cướp giật
>> TP.HCM xem xét đổi giờ học


Theo www.baomoi.com

Friday 9 March 2012

Thi va phong van hoc bong 100 hoc phi Dai hoc va Thac si tai Phan Lan

VISCO tổ chức chương trình luyện thi vào các trường Đại học công lập của Phần Lan cho khóa học Đại học khai giảng tháng 9/2012.

Sinh viên phải nộp hồ sơ trước 14/02/2012 để đăng ký dự thi đầu vào tổ chức vào tháng 4/2012 tại các văn phòng của VISCO. Sinh viên thi đỗ sẽ nhận được học bổng 100% học phí.

Phần Lan là một trong các quốc gia có nền giáo dục tốt nhất trên thế giới, phúc lợi xã hội cao, tham nhũng ít nhất trên thế giới. Các trường Đại học của Phần Lan đều giảng dạy theo hệ thống tín chỉ Châu Âu (ECTS), bằng cấp được quốc tế công nhận và chương trình học giảng dạy hoàn toàn bằng Tiếng Anh. Môi trường sống thanh bình, điều kiện ăn ở tốt, chi phí sinh hoạt thấp (400-500 Euro/tháng) là yếu tố quyết định chi phí học đại học tại Phần Lan thấp hơn rất nhiều so với học tại Anh, Úc, Mỹ..., thậm chí chỉ bằng ½ chi phí học tại Singapore.

Sinh viên được phép làm thêm 20h/tuần và làm việc toàn phần trong các kỳ nghỉ lễ, tết trong năm. Lương làm thêm từ 8 - 15 EUR/h. Sau khi tốt nghiệp Sinh viên được phép ở lại 1 năm để làm việc.

Với kinh nghiệm nhiều năm tuyển sinh du học Phần Lan, hàng năm VISCO đã gửi khoảng 20 sinh viên đến học tập tại các trường đại học như Haaga - Helia, Hamk, Laurea, Turku, Lahti, Metropolia, Savonia, Vaasa, Central Ostrobothnia, Kemi Tornio, Jyvaskyla, Kajaania, Rovaniemi… với các chuyên ngành cử nhân:

Kinh doanh quốc tế

Quản trị du lịch khách sạn

Quản trị hệ thống thông tin
Quản lý kinh doanh

Tự động hóa

Công nghệ thông tin

Marketing

Cơ khí và công nghệ sản xuất

Y tá

Môi trường

Đối tượng tuyển sinh:

- Chương trình Đại học: Đang học lớp 12 trở lên. IELTS 5.5 - 6.0/ TOEFL IBT 79 - 80. Đặc biệt những học sinh chưa có điểm IELTS / TOEFL vẫn có cơ hội đăng ký tham gia thi.

Hạn nộp hồ sơ: 14/02/2012. Nếu học sinh nộp điểm TOEFL ibt phải nộp trước ngày 15/01/2012

-Chương trình thạc sĩ:Quản lý kinh doanh quốc tế (1,5 năm). Yêu cầu: Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Kinh tế, có 3 năm kinh nghiệm, IELTS 6.0 /TOEFL 575.

Hạn nộp hồ sơ: 30/03/2012

Tất cả sinh viên sẽ tham dự kì thi đầu vào được tổ chức tháng 4/2012 do VISCO tổ chức. Kết quả sẽ có vào tháng 6/2012 và nhập học vào tháng 9/2012.

Đến với VISCO:

- Sinh viên sẽ được tư vấn chọn trường, chọn ngành theo 04 nguyện vọng 1, 2, 3, 4

- Sinh viên được xếp lớp ôn luyện và thi thử theo các dạng đề thi của Phần Lan

- Hướng dẫn và luyện phỏng vấn của trường và của Đại sứ quán

- Hướng dẫn thủ tục xin Visa. Sắp xếp nhà ở

- Thủ tục đơn giản, không chứng minh tài chính. Tỷ lệ VISA cao.

Lớp ôn thi bắt đầu được tổ chức vào đầu tháng 2/2012. Các bạn sinh viên muốn đăng ký tham gia du học Phần Lan mời mang hồ sơ đến VISCO càng sớm càng tốt đến để được sắp xếp vào lớp học.

Thông tin chi tiết về các trường mời tham khảo trong trang web: www.visco.edu.vn

Liên hệ với các Văn phòng của VISCO để biết thêm thông tin chi tiết:

Công ty du học VISCO

Tại Hà Nội: 230 Kim Mã, Quận Ba Đình; ĐT: (04) 37261938

Email: viscohanoi@visco.edu.vn

Tại TPHCM: 239 Cách mạng tháng 8 nhà A02 Chung cư Văn hóa, P4, Q 3; ĐT: (08) 38328416; 38390718. Email: viscohcm@visco.edu.vn

Tại Đà Nẵng: 433 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu; ĐT: (0511)3552597 / 96

Email: viscodn@visco.edu.vn

Tại Hải Phòng: 328C Trần Nguyên Hãn, Q. Lê Chân, Hải Phòng; ĐT: (031) 3950748; 3786158

Email: viscohp@visco.edu.vn

Theo www.baomoi.com

Ca phu huynh va hoc sinh nhon nhac vi venh gio

Sáng nay 1.2, ngày đầu tiên Hà Nội áp dụng thay đổi giờ học, giờ làm tại 10 quận nội thành và 2 huyện Từ Liêm, Thanh Trì. Theo ghi nhận của PV, rất nhiều phụ huynh, học sinh bỡ ngỡ với giờ học mới.

Mỗi trường có giờ học khác nhau

Ghi nhận của PV Laodong.com.vn sáng nay 1.2 tại nhiều trường mầm non, tiểu học, THPT, ĐH cho thấy, SV vẫn đến trường giờ cũ, học sinh tiểu học, mầm non vẫn đến trường như mọi ngày dù theo lịch học mới sẽ chậm lại 15 phút. Một số trường THPT không áp dụng khung giờ học trước 7h theo đúng chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội là không được tự ý định ra các giờ học trái quy định của văn bản chỉ đạo điều chỉnh giờ làm việc và giờ học tập của thành phố và của ngành GD&ĐT.

Cha mẹ vội vã đưa 2 con đến trường rồi đi làm. Ảnh Hải Nguyễn.

Trường THPT Dân lập Lý Thái Tổ (Q. Cầu Giấy) đã có thông báo đến các bậc phụ huynh việc đổi giờ học. Theo đó, bắt đầu từ ngày 2.2, HS có mặt tại trường lúc 7h45, bắt đầu tiết 1 lúc 8h; kết thúc buổi chiều vào 16h45. Như vậy, trường này đã tự quy định giờ học riêng không theo chỉ đạo của Sở GDĐT.

Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh buổi chiều lại bắt đầu từ 13h đến 19h tối chứ không theo quy định của Sở là bắt đầu từ 14h30 phút. Chị Hồng Tân, có con học lớp 11 cho biết: " Các con ăn trưa từ 12g để đến trường, đến 19h mới tan học sẽ rất ảnh hưởng đến sức khỏe vì đến 20h con mới được ăn bữa ăn tối. Tôi thấy không hợp lí. Theo yêu cầu của nhà trường, từ 17h đến 19h các con bắt buộc phải học ngoại khóa như vậy sẽ khiến các con vô cùng mệt mỏi".

HS các trường THPT Nguyễn Tất Thành, THPT Chuyên Ngoại ngữ, THPT Chuyên ĐHSP HN (Q. Cầu Giấy) HS vẫn đi học như bình thường. Cụ thể, HS trường THPT và THCS Nguyễn Tất Thành vào lớp lúc 7h10, bắt đầu học vào 7h20. Với HS trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, các em vẫn bắt đầu giờ học lúc 7h30. Em Hà Văn Tuấn, HS trường THPT Chuyên ĐHSP HN nói: "Nếu sự thay đổi giờ học được áp dụng (tức vào học trước 7h sáng) thì cũng không ảnh hưởng nhiều tới việc học vì bình thường, chúng em vào lớp lúc 6h55 và cũng bắt đầu học từ 7h".

Đối với khối SV, tại các trường ĐHSP HN, ĐH Thương mại, ĐH GTVT, ĐH Quốc gia HN… nhiều SV tham gia học tín chỉ vẫn bắt đầu ca học đầu tiên lúc 6h30, 6h45 như bình thường. Một số trường ĐH khác như ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Thủy lợi, ĐH Hà Nội... vẫn giữ nguyên giờ vào lớp là 7h. SV Nguyễn Phương Mai (ĐH Thủy lợi) cho hay: "Dù có nghe tin điều chỉnh giờ học từ 1.2 nhưng chúng em không thấy nhà trường thông báo thay đổi gì cả nên vẫn vào học lúc 7h như mọi ngày".

HS khối THPT sẽ vất vả hơn với giờ học mới. Ảnh Hải Nguyễn.

Trong khi đó, sáng nay trường THPT Việt Đức, THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm) đã áp dụng phương án đổi giờ. Chị Nguyễn Hải Anh (Kim Mã) đưa con đi học tại trường THPT Việt Đức cho hay: "Bình thường cháu học lúc 7h30, hai mẹ con bắt đầu đi khoảng 7h và rất hay bị tắc đường đoạn Nguyễn Thái Học. Nhưng bây giờ thay đổi lịch, tôi đưa cháu đi sớm hơn nửa tiếng, đường phố khá vắng vẻ nên thấy cũng dễ chịu".

Cách đó không xa, bảo vệ tại trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm) cho biết: "Vào thời điểm này hàng ngày, lượng người đến trường không nhiều, chủ yếu từ 7h trở đi mới đông. Nhưng hôm nay, ngay từ 6h sáng đã có nhiều cháu đến trường để tránh bị muộn học và ăn sáng ngay tại cổng trường".

Đưa con đi thì dễ, đón con về mới khó

Theo ghi nhận của PV ở một số trường học tại Hà Nội khi thực hiện việc đổi giờ học đã khiến nhiều phụ huynh, HS bỡ ngỡ. Chị Nguyễn Thị Hà Anh (Công tác tại Cty nước sạch Hà Nội) có 2 con nhỏ, 1 cháu học tại Tiểu học Dịch Vọng, 1 cháu học tại THCS Dịch Vọng cho biết, sáng nay đưa con đến trường sớm nên cả hai mẹ con phải đợi 15-20 trường mới mở cửa. Con vào lớp rồi mẹ cuống cuồng chạy đến cơ quan cho kịp giờ làm". Theo chị, chỉ có cách là 7h sáng ba mẹ con đều ra khỏi nhà, để con đợi ở cổng trường rồi mẹ đến cơ quan.

Phụ huynh HS đọc thông báo thay đổi giờ học tại trường tiểu học Khương Thượng. Ảnh Hải Nguyễn.

Chị Hoàng Ngọc Hà (Giáo viên trường THCS Cầu Giấy) có 2 con đang học tại THCS Nguyễn Tất Thành và THPT Nguyễn Tất Thành không khỏi lo lắng: "Ngày nào mẹ cũng đưa hai con đến trường một thể rồi đến trường dạy học luôn. Nếu thay đổi giờ, đứa đi sớm, đứa học muộn thì rất bất cập, giờ giấc ăn uống ngủ nghỉ của cả bố mẹ và các con đều bị xáo trộn. Con học muộn cũng phải dậy sớm để đưa đi cùng một thể"- chị Hà cho hay.

Tại trường tiểu học Xuân La (Từ Liêm), không ít phụ huynh than phiền rằng, chắc chắn các sinh hoạt gia đình sẽ phải lùi lại muộn hơn và rất khó điều chỉnh. Chị Lê Phương Giang tỏ ra khá lo lắng: "Tôi đi học cao học, cũng chỉ phải lên lớp 10 ngày cuối tháng nhưng học từ 7h sáng đến 19h tối mới về. Ai sẽ đưa đón con và chăm con kiểu gì khi cháu tan học lúc 17h chiều? Ông xã nhà tôi cũng làm từ 9h sáng đến 19h tối, chỉ có thể đưa cháu đi mà không thể đón về".

Tại trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) đa phần các phụ huynh đưa con đến trường cũng đều phải hỏi nhau về giờ đón con. Chị Trần Tuyết Nhung cho biết: "Chúng tôi mới chỉ nhận được thông báo về giờ vào học của các cháu, còn giờ tan trường vẫn chưa hay. Sáng nay khi đưa con đến lớp hỏi các cô giáo thì được biết các cháu vẫn tan học theo giờ cũ là 16h15 chứ không phải là 17h như quy định của thành phố".

Dù giờ vào học muộn hơn nhưng nhiều học sinh vẫn đến trường muộn. Ảnh Lương Kết.

Trong công văn chỉ đạo các đơn vị giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội đã nêu rõ, trường hợp những ngày đầu thực hiện: Nếu có học sinh đi muộn, các nhà trường cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để HS-SV vào học; tránh tình trạng HS-SV không được vào lớp vì lý do đi học muộn giờ. Nếu cha mẹ HS chưa kịp đến đón con em, các nhà trường cần có biện pháp quản lý HS chờ gia đình đến đón. Tuy nhiên, đó mới chỉ là giải pháp tình thế trước mắt còn về lâu về dài, việc điều chỉnh giờ học của con cái và giờ làm của bố mẹ như thế nào để kịp giờ và cho khỏi "vênh" nhau là bài toán không hề dễ.

Việc thực hiện điều chỉnh giờ học, giờ làm ít nhiều đã gây xáo trộn trong nhân dân, nhất là đối với học sinh khối THPT khi mà đa phần các em đều được bố mẹ đưa đi, đón về. Nên chăng, việc điều chỉnh giờ học ở khối PTTH cần xem xét lại để có sự hợp lí giữa giờ học của các con với giờ làm của cha mẹ để cả phụ huynh và HS yên tâm học tập và công tác.

Nhóm PV


Theo www.baomoi.com

Thursday 8 March 2012

Cha me co the don con truoc 17 gio

QĐND Online – Trong quá trình triển khai phương án điều chỉnh giờ làm việc, học tập trên địa bàn TP Hà Nội để giảm thiểu ùn tắc giao thông đã bộc lộ một số điểm vướng mắc. Sáng 10-2, Sở GD và ĐT Hà Nội đã có buổi làm việc với các trường thuộc 12 quận, huyện để kịp thời ghi nhận những phản ánh, bất cập phát sinh.

Học sinh THCS có thể bắt đầu giờ học buổi sáng sau 7 giờ 30 phút (sớm 30 phút so với quy định ban đầu)

Các trường thuộc phạm vi điều chỉnh đều thực hiện nghiêm túc Quyết định và cơ bản đồng tình với phương án điều chỉnh nhằm giảm thiểu ùn tắc cho thành phố. Tuy nhiên, ngoài buổi sáng giao thông có phần thông suốt, thì buổi chiều vẫn xảy ra ùn ứ tại một số tuyến phố chạy qua các trường tiểu học, trung học cơ sở do bố mẹ chờ đón con đứng tràn xuống lấn chiếm lòng đường.

Để hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng của đổi giờ học tới sinh hoạt của học sinh, Sở GD và ĐT Hà Nội đã có hướng dẫn thực hiện điều chỉnh giờ học, giờ làm cho các trường học và cơ sở giáo dục. Theo đó, phụ huynh có thể đón con trước 17 giờ (đối với cấp mầm non, tiểu học, THCS) để tránh ùn tắc cục bộ trên một số tuyến phố có trường gần nhau, đồng thời giãn được thời gian giao ca giữa hai ca học buổi sáng và chiều của cấp THCS. Các trường THCS có thể bắt đầu giờ học buổi sáng sau 7 giờ 30 phút, kết thúc giờ học buổi chiều trước 17 giờ 30 phút.

Đối với các trường THPT, trung tâm GDTX điều chỉnh thời gian kết thúc giờ học chính khóa buổi chiều sau 18 giờ. Các trường phổ thông có nhiều cấp học, thường có xe ô tô đưa đón học sinh được chủ động chọn giờ học theo cấp học được quyết định 315/QĐ-UB của Thành phố để tổ chức hoạt động cho phù hợp với điều kiện của từng trường.

Sở GD và ĐT nhấn mạnh việc bố trí điều chỉnh giờ như trên chỉ áp dụng đới với học sinh học chính khóa của các trường học 2 ca/ngày. Các trường có học sinh học một ca, có thêm một số tiết phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi hoặc tiết ngoại khóa buổi chiều thì thời gian học sẽ do các trường chủ động quyết định cho phù hợp, tránh không cho học sinh tan học vào giờ cao điểm.

Thời gian thực hiện bắt đầu từ 13-2.

Sở cũng yêu cầu các trường tiếp tục gửi báo cáo về việc thực hiện để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Trong quá trình thực hiện, các trường tuyệt đối không được thu thêm bất cứ khoản tiền nào của phụ huynh vì việc này.

Thu Hà


Theo www.baomoi.com

Wednesday 7 March 2012

Chi tuyen 10 nu vao truong cong an

TT - Thay đổi lớn nhất của kỳ tuyển sinh ĐH khối ngành công an năm 2012 là thay vì giới hạn chỉ tiêu nữ ở vòng sơ tuyển như các năm trước, ngành công an sẽ giới hạn tỉ lệ nữ khi xét điểm trúng tuyển vào các trường.

Chỉ tuyển 10% nữ vào trường công an

Thiếu tá Trần Văn Đồng, Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy, tư vấn cho những học sinh quan tâm đến khối trường công an trong ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2012 - Ảnh: H.T.V

Điều này dự báo sẽ làm "cuộc đua" giành một suất vào học tại các trường ĐH công an nhân dân ở nữ thí sinh sẽ căng thẳng hơn mọi năm rất nhiều.

10% trúng tuyển là nữ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Mai Đức Hải - trưởng phòng đào tạo - tuyển sinh Cục Đào tạo, Tổng cục Xây dựng lực lượng công an nhân dân, Bộ Công an - khẳng định năm 2012 Bộ Công an xác định sẽ chỉ tuyển sinh 10% tỉ lệ trúng tuyển là thí sinh nữ. Chủ trương này bắt nguồn từ việc nữ giới hiện đang công tác trong ngành công an quá đông, nhiều bộ phận không thể sắp xếp vị trí phù hợp cho nữ do tính chất đặc thù công việc của ngành.

Giới hạn tỉ lệ trúng tuyển nhưng lại "mở cửa" không giới hạn tỉ lệ nữ tham gia sơ tuyển, chấp nhận tất cả hồ sơ đăng ký sơ tuyển của nữ chắc chắn sẽ khiến số thí sinh nữ có nguyện vọng đăng ký dự thi tại các học viện, trường ĐH công an nhân dân tăng mạnh. Theo ông Hải, trước thay đổi tuyển sinh này, thí sinh nữ cần phải cân nhắc rất kỹ, lượng sức mình trước khi đăng ký dự thi.

"Giới hạn tỉ lệ nữ trúng tuyển đồng nghĩa với việc xét điểm trúng tuyển đối với thí sinh nữ có thể cao hơn thí sinh nam. Trước đây, các trường có điểm chuẩn chung để xét tuyển, năm 2012 các trường có thể sẽ phải đưa ra điểm chuẩn tuyển sinh nam riêng, nữ riêng, trong đó điểm trúng tuyển nữ cao hơn để bảo đảm được giới hạn tỉ lệ trúng tuyển" - ông Hải phân tích.

Được biết trước đây, Bộ Công an yêu cầu việc sơ tuyển nữ sinh phổ thông do công an tỉnh thành trực thuộc trung ương quyết định dựa trên nhu cầu sử dụng cán bộ của đơn vị, địa phương. Tỉ lệ này không được vượt quá 5% tổng số thí sinh đạt yêu cầu sơ tuyển đăng ký dự thi vào các trường. Chỉ giới hạn ở sơ tuyển mà không quy định chặt con số trúng tuyển, nên thống kê cho thấy tỉ lệ trúng tuyển nữ vào các trường ĐH các năm trước ở mức cao, chiếm 15% tổng chỉ tiêu.

Chỉ tiêu tuyển sinh 2012

Đơn vị

Tổng chỉ tiêu

Học viện An ninh nhân dân

770

Học viện Cảnh sát nhân dân

980

Trường ĐH An ninh nhân dân

690

Trường ĐH Cảnh sát nhân dân

580

Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy

320

Trường ĐH Kỹ thuật - hậu cần công an nhân dân

260

Phải qua sơ tuyển

Không nộp hồ sơ qua sở GD-ĐT

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi cùng lệ phí tuyển sinh theo quy định cho công an quận huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để chuyển về công an tỉnh thành trực thuộc trung ương (không qua sở GD-ĐT).

Riêng thí sinh dự thi theo chỉ tiêu đào tạo đại học dân sự của Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy không phải qua sơ tuyển, việc khai và nộp hồ sơ theo quy định của Bộ GD-ĐT (không qua công an các đơn vị, địa phương).

Theo Cục Đào tạo, trừ thí sinh dự thi theo chỉ tiêu đào tạo ĐH dân sự của Trường ĐH Phòng cháy - chữa cháy (50 chỉ tiêu dành cho thí sinh phía Nam), tất cả thí sinh đăng ký dự thi vào các trường ĐH công an nhân dân đều phải qua sơ tuyển tại công an tỉnh thành trực thuộc trung ương nơi thí sinh đăng ký hộ khẩu thường trú. Hồ sơ đăng ký dự thi được mua tại nơi sơ tuyển. Bộ Công an chỉ tuyển vào ĐH những thí sinh trúng tuyển ĐH và đã qua vòng sơ tuyển.

Yêu cầu sơ tuyển đối với nam là chiều cao 1,64-1,80m, cân nặng 48-75kg và nữ là chiều cao 1,58-1,75m, cân nặng 45-60kg (đối với học sinh thuộc vùng KV1, học sinh là người dân tộc thiểu số theo từng giới được hạ thấp 2cm về chiều cao và 2kg cân nặng).

Các trường ĐH công an chỉ chấp nhận tuyển thí sinh trong các năm học THPT có hạnh kiểm loại khá trở lên.

Để đăng ký sơ tuyển, thí sinh phải xác định rõ yêu cầu cụ thể về độ tuổi: đối với cán bộ, chiến sĩ công an trong biên chế, không quá 30 tuổi; đối với học sinh không quá 20 tuổi, học sinh người dân tộc thiểu số không quá 22 tuổi (tính đến năm dự thi); công dân phục vụ có thời hạn trong lực lượng công an có thời gian công tác từ đủ 18 tháng trở lên không quy định độ tuổi; công dân hoàn thành phục vụ có thời hạn trong lực lượng hoặc hoàn thành nghĩa vụ quân sự trong quân đội được dự thi thêm một lần trong thời gian 12 tháng kể từ ngày có quyết định xuất ngũ, không quy định độ tuổi.

Đặc biệt, thí sinh không trúng tuyển vào ĐH của ngành sẽ được đăng ký xét tuyển vào một trường trung cấp hoặc hệ trung cấp công an theo quy định phân luồng xét tuyển của Bộ Công an, hoặc đăng ký xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo như thí sinh bình thường.

Theo tintuc.xalo.vn

Related posts