Thursday, 2 February 2012

Dong nuoc

muaban24 lua dao | cong ty seo | game angrybirds |

Với ánh mắt hiền từ và đôi tay ấm áp, thầy đã đến bên chúng con - những con chim non xa nhà ríu rít quây quần bên thầy trong một chiều nắng đông nhè nhẹ. Và ngày kỷ niệm ấy là hành trang, là dấu ấn không phai mờ trong con trong sự nghiệp "chèo đò".

Thầy nói với con: "Tri thức là biển cả mênh mông, chỉ cần nhẹ sóng là dạt không bến bờ". Càng ngẫm con càng cảm thấy rất đúng, thưa thầy. Và cho đến tận bây giờ con vẫn yêu quý, trân trọng hai quyển sách Hỏi đáp giải phẫu sinh lý người Ẩn số và đáp số về cơ thể người với nét bút ký thân yêu thầy dành tặng: "Mến tặng cô Huế. Thầy Lê Quang Long".

Con rất tự hào khi kể với bạn bè, đồng nghiệp về thầy - người đã khơi nguồn cảm hứng cho con viết và nhận được kết quả sáng kiến kinh nghiệm loại B cấp thành phố trong năm học vừa qua.

"Con người là một đơn vị sống, dù quen thuộc nhưng vẫn đầy ẩn số, có rất nhiều câu hỏi chưa đề cập trong sách giáo khoa. Kiến thức đưa vào đó chỉ là những kiến thức cơ bản cần thiết. Cho nên học thầy, học bạn và đọc sách xong ta vẫn còn muốn biết thêm về ta nữa. Ta vẫn còn khao khát những câu trả lời cho những câu hỏi thuộc "muôn mặt đời thường" hoặc "thời sự nóng hổi" để thỏa mãn tính tò mò đối với những gì chưa biết.

Người phương Tây có một câu nói rất hay: "Cái dư thừa mới là cái cần thiết". Con đã luôn trăn trở với những cái dư thừa cần thiết ấy để làm thế nào cho học sinh thân yêu của mình cũng có những thói quen đọc sách, làm theo những lời khuyên, kinh nghiệm quý báu của dân gian để lại qua sách vở, báo chí. Con đã kể cho học sinh của con nghe về thầy, ý nghĩa của việc đọc sách, lưu giữ những quyển sách hay bên mình trong suốt những chặng đường đời.

Lắng nghe lời thầy, con có những quyển sổ tay nhỏ nhắn, xinh xắn lưu lại những kiến thức cơ bản nhất của chuyên ngành mình theo học. Chia sổ theo từng mục nhỏ (thực vật, động vật, giải phẫu sinh lý người, di truyền và biến dị, bảo vệ môi trường) để trả lời những câu hỏi vì sao lại như vậy mà bản thân con không hiểu hết.

Con thường hỏi tại sao khi giảng bài thầy rất ít khi nhìn vào tài liệu chuẩn bị mà cách diễn đạt của thầy vẫn logic, dễ hiểu đến thế? Mãi sau này khi chập chững bước vào nghề con mới nhận thấy khi am hiểu kiến thức, hiểu rõ bản chất của hiện tượng, cơ sở khoa học của một vấn đề thì dù có bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào, nội dung bài học vẫn trôi chảy như dòng nước theo sóng ra khơi.

Và lắng sâu những cảm xúc của chính bản thân về những người yêu dấu, con thường lưu lại bằng những vần thơ vụng về trong cuốn sổ nhỏ bìa hoa xanh. Đã xa thời sinh viên khá lâu nhưng con vẫn yêu quý nó vẹn nguyên như ngày đầu với bài thơ đầu tay "Cánh buồm của cha" và tiếp sau đó là "Những lời ru bình dị của mẹ". Sinh viên xa nhà có những nỗi nhớ, nỗi trống trải mà ít khi con tâm sự với các bạn cùng phòng. Cảm ơn thầy đã lắng nghe những chia sẻ của con.

Con hi vọng được gặp lại thầy, có lẽ có rất nhiều các thế hệ sinh viên đã được lắng nghe các bài giảng của thầy, nhưng chắc chắn với con chỉ một ngày gặp thầy ngắn ngủi trong khoảng sân nhỏ bé với sắc đỏ tigôn quyện trong làn nắng đông nhẹ con sẽ không bao giờ quên, khoảnh khắc đánh dấu góc sáng tâm hồn con, giúp con tạo cho mình một niềm vui riêng mà niềm vui ấy con muốn được kể lại với thầy. Con hiểu được một điều quan trọng, không phải chỉ gò bó trong những kiến thức liên quan đến bài học mà "phải có một cái học tổng quát để phụng sự cho ngành chuyên môn của mình".

Có những buổi chiều như chiều nắng đông nhè nhẹ hôm nay con lật lại góc kỷ niệm, cười thầm và ngập tràn niềm hân hoan, con quên đi thời gian và đọc lại lần lượt từng nội dung ghi chép. Con nhận thấy giữa dòng đời xô bồ, hối hả con vẫn có một niềm vui tinh thần, khoảng không gian của niềm vui ấy con muốn kể cho thầy để được thầy lặng thầm khơi nguồn đợt sóng, tạo nên những dòng nước sáng bừng trong con.

Cảm ơn thầy - người mà con luôn yêu quý. Con vẫn còn giữ và trân trọng những bức hình chụp cùng thầy vào một chiều mùa đông năm 2002 - khi con là sinh viên năm 2 khoa sinh - kỹ thuật nông nghiệp, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Xuân Hòa, Mê Linh, Vĩnh Phúc.

BÙI THỊ THU HUẾ (Nguồn: www.netbuttrian.vn )


Theo www.baomoi.com

No comments:

Post a Comment

Related posts